Thứ 6, 19/04/2024 12:48:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:03, 13/12/2017 GMT+7

Hạnh phúc từ tình yêu không lời

Thứ 4, 13/12/2017 | 15:03:00 233 lượt xem
BP - Hai vợ chồng đều câm, điếc bẩm sinh nhưng họ đã cùng nhau dệt nên hạnh phúc. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Lượng (1981) và chị Nguyễn Thị Hương (1982) ở thôn 5, xã Đức Liễu (Bù Đăng). Anh chị có 2 con kháu khỉnh, đáng yêu và dù không nghe được tiếng con gọi nhưng thấy con cười thì dường như mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống đều tan biến.

Hạnh phúc giản đơn

17 năm bên nhau, họ đã xây dựng cho mình một hạnh phúc lứa đôi từ tình yêu không lời hiếm có. Chị Hương sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Đức Liễu. Không ruộng vườn, căn nhà nhỏ hiện tại là của “hồi môn” duy nhất mà cha mẹ chị Hương để lại nhưng vẫn đang xảy ra tranh chấp. Gặp chúng tôi, chị Hương chỉ “nói chuyện” bằng tay. May nhờ chị tự học, viết được ít chữ và hàng xóm “phiên dịch” giúp nên câu chuyện của chúng tôi mới có thể tiếp tục.

Vợ chồng chị Hương hạnh phúc cùng cậu con trai út Nguyễn Viết Bảo

Anh Lượng sinh ra tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai trong một gia đình nông dân. Gia cảnh khó khăn, lại tật nguyền nên anh tự mình kiếm sống khắp nơi. Năm 2000, khi đi làm rẫy thuê, anh gặp chị Hương và họ cùng nhau xây dựng cuộc sống. Năm 2002, niềm vui của vợ chồng anh vỡ òa khi cháu Nguyễn Viết Long ra đời. Khi thấy con khóc, chị Hương muốn cất tiếng “ầu ơ” để ru con ngủ nhưng lại chẳng thể cất lời. Thấy hoàn cảnh chị Hương, những người hàng xóm thường xuyên ghé sang giúp đỡ, dạy Long biết gọi ba, mẹ. Long tiến bộ từng ngày, rồi em cũng biết nói và đến trường như bao bạn bè.

Dù phải làm thuê nhưng vợ chồng chị Hương cố gắng lo cho con đi học. Năm 2015, chị Hương sinh bé Nguyễn Viết Bảo. Từ đây cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Bé Long thấy vậy đã xin ba mẹ nghỉ học để ở nhà phụ mẹ chăm em, phụ ba kiếm thêm tiền mua gạo hằng ngày. Con phải nghỉ học, chị Hương xót lắm nhưng đành chấp nhận. Giờ bé Bảo đã hơn 2 tuổi và biết “ạ cô, ạ bà”.

Nghĩa tình xóm giềng

Căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Hương cạnh quốc lộ 14, ngay dưới chân dốc, khúc cua tay áo nên rất khó đi. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Nguyễn Hữu Vinh (56 tuổi), hàng xóm của chị Hương cho biết, dù là người khuyết tật nhưng gia đình chị Hương rất tự trọng. Xây dựng nông thôn mới, người dân thôn 5 đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn đường. Hàng xóm thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn nên không nhận tiền đóng góp. Anh Lượng nhất định không chịu. “Lượng ra dấu cho chúng tôi biết, nếu không để anh đóng góp tiền, sẽ không chịu cho đường điện đi qua nhà. Chúng tôi cũng đành chịu. Có việc gì làm, người dân cũng ưu tiên gọi vợ chồng Lượng trước” - ông Vinh kể.

Từ khi bỏ học, Long cùng ba mẹ đi làm thuê và sắm xe máy. Long cũng mua được tivi để em Bảo xem, nghe tiếng mà học nói theo. Đó là tất cả tài sản mà gia đình anh Lượng có. Bao năm nay, vợ chồng anh vẫn căng bạt hứng nước mưa dùng dần bởi không có tiền khoan giếng và mua téc đựng nước. Quần áo của gia đình cũng nhờ mọi người cho tặng mới được tươm tất.

Chị Hương được hưởng phụ cấp người khuyết tật mỗi tháng 400 ngàn đồng. Anh Lượng không có giấy tờ tùy thân nên chẳng được chế độ gì. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, bà Trần Thị Bảy, nhà ở sát bên đã hết lòng giúp đỡ. Vợ chồng bà Bảy nhiều lần chở anh Lượng về tận Long Khánh để xác minh lý lịch. Việc làm hồ sơ nhập khẩu, xin sổ hộ nghèo, xin hỗ trợ cho vợ chồng chị Hương đều do bà Bảy làm hết. Những ngày này, bà Bảy lại dẫn vợ chồng chị Hương đi châm cứu, khai thông huyệt đạo, hy vọng anh chị sẽ nghe, nói được một chút. “Nếu may mắn, biết đâu vợ chồng Lượng sẽ nghe được, nói được” - bà Bảy cho biết.

Chia tay vợ chồng chị Hương, trên đường về chúng tôi mang theo một nụ cười thầm lặng. Hạnh phúc không lời của họ và tình làng nghĩa xóm mà mọi người dành cho anh chị thật ấm áp.

T. Linh

  • Từ khóa
59966

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu