Thứ 6, 29/03/2024 19:14:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:30, 17/06/2020 GMT+7

Ðừng để lờn luật

N.V
Thứ 4, 17/06/2020 | 08:30:00 189 lượt xem

BPO - Sáng 27-5-2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong báo cáo cho biết, từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Đoàn giám sát cũng thừa nhận số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn. Hậu quả khiến 337 trẻ tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật...

Cũng theo báo cáo nêu trên, tình trạng xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng. Và thật đáng buồn vì Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em). Đau xót hơn là môi trường giáo dục tưởng như an toàn, song vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Đó là vụ ở Trường TH-THCS Tam Lập, tỉnh Bình Dương có 13 trẻ bị xâm hại; vụ ở trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có 9 trẻ bị xâm hại; vụ xâm hại tình dục 9 học sinh nam trong thời gian dài ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ...

Ở Bình Phước, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 200 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Bình quân mỗi năm ở Bình Phước xảy ra 50 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 90% là xâm hại tình dục. Nạn nhân của tội phạm xâm hại là trẻ em thuộc tất cả lứa tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít được quan tâm, chăm sóc, việc quản lý và giáo dục của gia đình lỏng lẻo hoặc cha mẹ ly hôn. Đối tượng bạo lực xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, lười lao động, có lối sống lệch chuẩn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về tình trạng nêu trên. Trước hết là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được thực hiện thường xuyên. Tiếp đó là công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, chưa chính xác, bỏ lọt tội phạm..., dẫn đến không ít đối tượng lờn luật. 

Xâm hại trẻ em là hành vi làm băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực, chừng nào những vướng mắc, bất cập nêu trên được gỡ bỏ thì những con số đau lòng nêu trên mới giảm. Và trước hết các bậc cha mẹ cùng nhà trường cần quan tâm giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng tham gia mạng xã hội, trong đó có các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại nói chung và chống xâm hại tình dục nói riêng. Đồng thời, Bộ Công an phải có các phương án đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với loại tội phạm này.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu