Thứ 6, 29/03/2024 01:11:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:13, 23/06/2020 GMT+7

Ðừng để lợi bất cập hại

Thanh Thủy
Thứ 3, 23/06/2020 | 09:13:00 246 lượt xem
BPO - Nhiều tháng qua, người tiêu dùng phải mua thịt heo với mức giá cao, dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đàn heo, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá để giữ chân người tiêu dùng và cuối cùng là nhập khẩu heo sống…, song kết quả vẫn chưa như ý.

Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu trên 70 ngàn tấn thịt heo, tăng hơn 300% so cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 7.700 con heo giống (tăng hơn 300% so với tổng số heo giống nhập khẩu năm 2019). Tuy nhiên, giá thành thịt heo trong nước chưa “hạ nhiệt” bao nhiêu, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định nhập khẩu heo sống từ Thái Lan để nuôi, giết mổ làm thực phẩm từ ngày 12-6-2020. Và trưa 18-6, lô hàng 500 con heo sống đầu tiên từ Thái Lan đã được vận chuyển về khu cách ly kiểm dịch tại Nghệ An. Việc nhập khẩu heo sống trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả các nhóm đối tượng: người chăn nuôi; người giết mổ, phân phối và người tiêu thụ. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Đến thời điểm phù hợp, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán, cho dừng nhập khẩu.

Ai cũng biết bản chất của tình trạng thiếu - thừa này là do chưa cân đối được cung - cầu và bình ổn giá thực phẩm. Hiểu đơn giản là công việc điều tiết thị trường từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nhưng hiện nay, với tình trạng cả nước thiếu nguồn cung thịt heo thì sẽ rất khó bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, không thể ngoại trừ yếu tố găm hàng, đội giá của người chăn nuôi và cả tiểu thương. Và đây là điều lợi bất cập hại đối với ngành chăn nuôi, một khi người tiêu dùng “ngán” thịt heo.

Thời gian qua, bên cạnh tăng cường nhập khẩu thịt heo, biện pháp tái đàn cũng được chú trọng, song chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi đó, người tiêu dùng lại quen tâm lý chuộng thịt “nóng” nên chưa mặn mà với thịt “lạnh” nhập khẩu; dịch tả heo châu Phi khiến nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng và chưa có điều kiện đầu tư tái đàn; tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, trong khi chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị dịch tả. Hơn nữa, việc tái đàn cũng không phải trong một thời gian ngắn có thể khôi phục được ngay. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nguồn cung thịt heo trong nước khan hiếm.

Chung tình trạng này, tại địa bàn Bình Phước, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại nặng đối với ngành chăn nuôi heo. Hiện con giống khan hiếm và giá cao, từ khoảng 1-1,2 triệu đồng/con giống trước đây thì nay phải 3 triệu đồng/con giống. Giá thịt heo cũng đang dao động từ 175-185 ngàn đồng/kg thịt ba chỉ; thịt nạc 165-170 ngàn đồng/kg; sườn non từ 190-200 ngàn đồng/kg…

Vì vậy, với người tiêu dùng trong thời điểm này có thể chuyển sang các loại thực phẩm khác cũng giàu dinh dưỡng không kém như gà, vịt, trứng, cá… Song song với việc nhập khẩu để bù đắp một phần nguồn cung, chính quyền và cơ quan chức năng cần có giải pháp khuyến khích nông dân tái đàn ở các địa bàn đã công bố hết dịch theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, bảo đảm an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Về lâu dài, rất cần sự hợp tác bền vững giữa nhà nông - doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Có như vậy mới tránh được việc người tiêu dùng quay lưng với thịt heo. Đồng thời, từ đó góp phần bình ổn thị trường, tránh được nỗi lo “hạ nhiệt” như hiện nay hay phải “giải cứu” thịt heo như vài năm trước, khi giá xuống mức 30 ngàn đồng/kg.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu