Thứ 5, 18/04/2024 18:45:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 08/11/2014 GMT+7

Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Thứ 7, 08/11/2014 | 09:16:00 254 lượt xem
BP - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận có Chỉ thị số 5105 ngày 3-11 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Nội dung chỉ thị nêu rõ:

đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6...

Chỉ thị ban hành được đa phần phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục hưởng ứng bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là phụ huynh. Tâm lý của những người làm cha làm mẹ khi thấy con cái đi học cả ngày ở trường, về nhà phải cặm cụi thêm vài tiếng đồng hồ để giải quyết bài tập giáo viên giao nên sót con. Với những phụ huynh không có thời gian kèm con ở nhà, không còn phải tất bật đưa đón con đến nhà giáo viên học thêm. Chưa nói, điều này còn giảm được một khoản chi phí học thêm của con. Nhiều phụ huynh thấy con phải học nhiều thì thốt lên “tuổi thơ của các cháu bị đánh cắp”. Điều này hoàn toàn có lý. Một tuần có hai ngày nghỉ, nhưng hầu hết giáo viên các trường tiểu học đều giao bài tập về nhà rất nhiều cho học sinh hai môn Toán và Tiếng Việt. Học sinh không dám đi chơi vì phải hoàn thành bài tập giáo viên cho, phụ huynh không có thời gian nghỉ ngơi vì phải kèm con học. Áp lực này hàng tuần, hàng tháng, nhất là gần đến ngày thi học kỳ, kết thúc năm, học sinh và phụ huynh phải gánh chịu.

Chỉ thị còn có một nội dung là không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học. Nội dung này đã “giải tỏa” được nỗi niềm của một số phụ huynh có con được giáo viên chủ nhiệm chọn thi giải Toán trên mạng. Với những gia đình có điều kiện thì chuyện chuẩn bị một chiếc laptop cho con đem đến nhà giáo viên học là bình thường. Nhưng với gia đình còn phải lo bữa ăn hàng ngày là cả vấn đề. Con có năng lực mới được giáo viên chọn chẳng lẽ phụ huynh lại từ chối. Chưa nói đến việc tiếp xúc với máy tính sớm, thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của các cháu.

Với người viết cho rằng cấm là đúng, dù quy định này không chỉ tạo nên hai luồng, mà thậm chí nhiều luồng ý kiến khác nhau. Với độ tuổi của các cháu, học như vậy là vừa sức.

Luồng ý kiến thứ hai là sự không đồng tình của một số phụ huynh. Sự trái chiều này cũng bởi, quy định là vậy nhưng liệu đề thi học kỳ, thi kết thúc năm có sát với kiến thức học sinh chỉ học trên lớp? Và liệu ngành giáo dục có kiểm soát hết tình trạng dạy thêm, học thêm?

Một quy định ban hành thường nhận được nhiều ý kiến đồng thuận có, trái chiều có. Song, với chỉ thị này Bộ GD-ĐT đang hướng đúng tới mục tiêu giảm tải chương trình học nói chung và với học sinh tiểu học nói riêng. Tuy vậy, việc ban hành chỉ thị nên song song với kiểm tra giám sát để không còn tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Chỉ thị của bộ là vậy, nhưng nếu giáo viên vẫn cứ dạy thêm, nhà trường vẫn để giáo viên giao bài tập về nhà, vì lo không đạt chất lượng kiểm tra cuối năm, chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi”.         

Hồng Cúc

 

 

  • Từ khóa
108410

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu