Thứ 6, 29/03/2024 03:25:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:24, 02/11/2019 GMT+7

“Đức trị” và “pháp trị” - Kỳ I

Thứ 7, 02/11/2019 | 09:24:00 1,826 lượt xem
BP - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng tiếp thu những tinh hoa, kinh nghiệm lịch sử quý báu của nhân loại và của các bậc tiền bối về kết hợp giữa “đức trị” với “pháp trị” để vận dụng sáng tạo, khéo léo vào thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.

HIỂU VỀ “ĐỨC TRỊ” VÀ “PHÁP TRỊ”

Quan niệm về “đức trị” và “pháp trị” cổ đại

Việc đề cao một chiều “đức trị” hoặc “pháp trị” trong phép trị nước an dân chỉ mang tính phiến diện, tương đối, không đầy đủ. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, chỉ những nhà lãnh đạo nào thực sự phối hợp một cách nhuần nhuyễn cả 2 trường phái tư tưởng “đức trị” và “pháp trị” mới có thể đưa đất nước phát triển ổn định và hùng cường, bất kể là phương Đông hay phương Tây. Đó là các vị quân vương, minh chúa - những người được coi là vừa biết tôn Nho, vừa biết trọng pháp; hay, Platon (triết gia Hy Lạp cổ đại) luôn chủ trương phải thống nhất đạo đức với một nền chính trị trong sạch, lấy quan niệm về một người cầm quyền có đức tạo cơ sở cho một nhà nước lành mạnh. Trong tác phẩm “Les Lois - Những đạo luật”, Platon đặc biệt quan tâm đến vấn đề về con người, về đạo đức của con người, nhưng ông cũng nhấn mạnh vai trò của luật pháp và coi đó là thứ có vai trò quan trọng thứ 2 sau đạo đức.

Khổng Tử (triết gia Trung Hoa cổ đại) luôn khuyên các nhà lãnh đạo phải lấy đạo “nhân” làm gốc, lấy “hiếu”, “lễ nhạc” làm nội dung cơ bản cho sự giáo hóa; tin tưởng vào sự giáo dục sẽ làm cho cái “nhân” tăng lên và các hình phạt sẽ giảm nhẹ đến mức có thể. Nếu cho rằng Khổng Tử là người bác bỏ hình luật thì chúng ta chưa hiểu đúng đắn về ông. Ông không chủ trương loại bỏ nó mà chỉ coi đó là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, cần thiết phải có, nếu không bất đắc dĩ thì không nên dùng đến.

 “Đức trị” và “pháp trị” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất giữa “đức trị” và “pháp trị”. Người đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức nhưng không coi nhẹ vai trò của luật pháp. Người khẳng định, đạo đức là để phục vụ xã hội, nhân dân và sự nghiệp giải phóng con người. Như vậy, đạo đức không còn đơn thuần là một phẩm chất mà đã trở thành chính trị, mang tính chính trị. Điều này được thể hiện khi Người cho rằng nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, cán bộ là đầy tớ, do đó cán bộ phải yêu dân, kính dân, trọng dân. Đó hoàn toàn là tư tưởng chính trị và cũng đồng thời là những giá trị đạo đức của con người.

Cùng với việc quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề ra mục tiêu: Suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, phấn đấu tu dưỡng rèn luyện đạo đức của bản thân và không ngừng kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức quyền. Trong suốt cuộc đời mình, Người luôn kiên trì 2 nguyên tắc: Một, nói đi đôi với làm; hai, lãnh đạo nêu gương, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ một chế độ nào thực hiện được 2 nguyên tắc này sẽ luôn luôn nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân; ngược lại, kết cục chỉ có thể là thất bại và tiêu vong. Bởi, trong 3 yếu tố quan trọng để xây dựng nền chính trị là “dân tín”, “thực túc”, “binh cường” thì “dân tín” luôn đứng hàng đầu. Vì vậy, Người đã đúc kết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính Người đã nêu một tấm gương sáng vĩ đại về đạo đức cách mạng hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nhìn vào lịch sử cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công khi xây dựng một nền “chính trị - đạo đức” kiểu mới cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, Nhà nước non trẻ của chúng ta mặc dù chưa được xây dựng một cách hoàn thiện, còn nhiều nhược điểm và thiếu sót, tuy nhiên, với tư tưởng đề cao “đức trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được một nhà nước dân chủ có uy tín, được nhân dân tín nhiệm, vô cùng tin tưởng và ủng hộ - đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những dân tộc đi đầu trong cuộc chiến đấu chống áp bức, bóc lột, bất công trên thế giới, góp phần vào sự nghiệp giải phóng con người.

Cùng với đề cao “đức trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng một nền “pháp trị” nhân văn. Năm 1950, nói chuyện với các học viên ngành tòa án, Người căn dặn: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử càng tốt hơn”. Tuy nhiên, “pháp trị” Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là cứng nhắc, quá nguyên tắc mà có sự uyển chuyển, kết hợp chặt chẽ với “đức trị”. Tùy vào hoàn cảnh và đối tượng cụ thể, có lúc Người nhấn mạnh khía cạnh đạo đức hay khía cạnh luật pháp, song có thể khẳng định rằng tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật. Bởi theo Người, để biến một biện pháp nào đó trong xã hội thành chuẩn mực và thói quen thì bao giờ cũng phải cần đến pháp luật; chuẩn mực càng khó bao nhiêu thì pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm chỉ đạo thúc đẩy ban hành pháp luật một cách kịp thời. Ngày 27-11-1945, Người ký sắc lệnh ấn định hình phạt: Tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 năm đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền hối lộ. Nhưng, Người cũng thừa nhận rằng ban hành luật thì dễ nhưng để đưa nó vào thực tiễn cuộc sống không hề đơn giản, thậm chí là vô cùng khó khăn. Do vậy, Người đặt ra nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt chính trị toàn dân để làm cho mọi hoạt động của Nhà nước được công khai, minh bạch và đặt dưới sự giám sát của nhân dân...

Điều khó khăn nhất trong thực thi pháp luật là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu pháp luật của ta “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng thương yêu, dạy bảo, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Song, Người cũng nghiêm khắc trừng trị những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước, coi khinh quần chúng nhân dân, làm mất danh dự, uy tín của Đảng và Nhà nước. Vậy, việc kết hợp “đức trị” với “pháp trị” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay đã trở thành tâm điểm chống phá trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch như thế nào và thực chất ra sao?

Mời độc giả đón đọc kỳ II: “Đức trị” và “pháp trị” với “diễn biến hòa bình”.

Hồng Vân

  • Từ khóa
2875

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu