Thứ 4, 24/04/2024 20:43:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:16, 04/02/2013 GMT+7

Vì sao doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt nợ BHXH, BHYT?

Thứ 2, 04/02/2013 | 10:16:16 348 lượt xem

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cho biết, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) của doanh nghiệp trên cả nước tính đến cuối năm 2012 đã tăng hơn 2.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng chục ngàn lao động. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực song vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Ngược lại, hành vi cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH và BHYT vẫn tràn lan. Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?

* Những con số đáng buồn:

Hiện nay, tình trạng nợ đọng, chậm thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (BHXH-YT) cho người lao động xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp, gia tăng cả số đơn vị và số tiền nợ. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31-12-2012, tổng số nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh là 38.296 triệu đồng, chiếm 4,6% so với tổng số phải thu, tăng 7.805 triệu đồng (bằng 25,6%) so với năm 2011.

Doanh nghiệp nợ BHXH-YT, nên việc giải quyết các quyền lợi của người lao động như ốm đau, thai sản, hưu trí, tai nạn lao động sẽ không thực hiện được - Ảnh: H.L

Trong tổng số nợ trên, gồm: Nợ BHXH là 22.346 triệu đồng (trong đó nợ BHTN là 6.398 triệu đồng, riêng ngân sách địa phương nợ 5.868 triệu đồng, chiếm 91,7% tổng số nợ BHTN), tăng 12.378 triệu đồng so với năm 2011. Cũng trong tổng số nợ trên, số nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 8.146 triệu đồng; số nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 4.758 triệu đồng. Về nợ BHYT là 15.950 triệu đồng, tăng 5.973 triệu đồng so với năm 2011, trong đó ngân sách nhà nước chưa chuyển phần kinh phí mua thẻ và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi là 12.985 triệu đồng, chiếm 81,4% so với tổng số nợ BHYT.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng hiện nay, khi rất nhiều lao động bị mất việc làm. Đồng thời, do doanh nghiệp nợ BHXH-YT, nên việc giải quyết các quyền lợi của người lao động như ốm đau, thai sản, hưu trí, tai nạn lao động sẽ không thực hiện được. Trường hợp người lao động ở các doanh nghiệp nợ BHXH-YT bị mất việc làm, cơ quan BHXH cũng không thể tiến hành chốt sổ BHXH, nên người lao động sẽ không thể hoàn tất hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không những thế, điều tác hại nữa là những hành vi trên của các chủ doanh nghiệp đã và đang làm cho kỷ cương pháp luật bị xem thường, noi gương xấu cho những doanh nghiệp về sau.

* Trục lợi từ kẽ hở pháp luật

Một phần nguyên nhân dẫn tới việc tổng số nợ BHXH-YT tăng thời gian qua là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thất bát, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì không phải gần đây, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH-YT của các doanh nghiệp mới diễn ra. Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, không chỉ ở giai đoạn làm ăn có lãi, rất nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng hoặc chây lỳ, trong khi hàng tháng vẫn khấu trừ phần trăm tiền BHXH-YT từ tiền lương của người lao động. Với doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân, số tiền BHXH mà doanh nghiệp chiếm dụng của người lao động có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Xét về thực chất, đây là hành vi chiếm đoạt tiền của người lao động, có thể bị xử lý hình sự.

Thế nhưng, điều bất cập là, theo luật hiện hành, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Dù cơ quan BHXH các địa phương đã nhiều năm kiến nghị sửa luật, nhưng đến nay, đề nghị này vẫn chưa được thông qua. Mức xử phạt hành chính hiện cũng chỉ dừng ở tối đa 30 triệu đồng. Tiền lãi chậm nộp cũng chỉ 0,05% trên tổng số tiền nợ cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng không quá 30 ngày. Trong khi đó, với số tiền chiếm dụng hàng tỷ đồng, nếu đem gửi ngân hàng, doanh nghiệp sẽ thu lợi lớn, nên tình trạng vi phạm ngày càng tràn lan, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm và chịu phạt. Các doanh nghiệp ngày càng nhờn, tìm mọi cách để lách luật, trục lợi từ những kẽ hở của pháp luật.

* Cần có chế tài đủ sức:

Biện pháp mạnh tay nhất mà BHXH các địa phương có thể làm là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa cũng đã được áp dụng nhiều, nhưng số tiền đòi được cũng rất hạn chế do còn nhiều vướng mắc. Hơn nữa, thủ tục khởi kiện rất phức tạp, trong khi có tới hàng trăm doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, nên cũng khó có thể áp dụng rộng rãi biện pháp này. Thậm chí, kể cả khi khởi kiện thành công thì việc thi hành án và đòi tiền không phải đơn giản, do thời gian thi hành án có thể kéo dài tới 5 năm theo luật định. Nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ, không thực hiện, cơ quan BHXH cũng không thể làm gì, thậm chí còn phải tạm ứng lệ phí thi hành án.

Bên cạnh đó, việc phong tỏa tài khoản doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng, vì động chạm đến lợi ích của các ngân hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, các tài sản có giá trị cũng thường được thế chấp để vay ngân hàng, nên dù bản án có hiệu lực pháp luật, thì dù có muốn cưỡng chế, cơ quan thi hành án cũng không thể tịch thu được các tài sản đó.

Phương án khả thi nhất để hạn chế việc trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài của doanh nghiệp là phải nhanh chóng đưa hành vi này vào diện xử lý hình sự với người đứng đầu đơn vị vi phạm nhiều lần, hoặc có số tiền nợ lớn. Nếu chưa làm được ngay, thì trước mắt, nên tăng mạnh mức xử phạt hành chính lên 10% số tiền nợ. Và nếu chừng nào chưa làm được điều này thì quyền lợi chính đáng của hàng trăm ngàn lao động chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.                                

Kim Ngọc

  • Từ khóa
44388

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu