Thứ 6, 29/03/2024 00:24:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:28, 05/11/2019 GMT+7

Đồng Phú vượt khó để phát triển kinh tế

Thứ 3, 05/11/2019 | 07:28:00 1,014 lượt xem
BP - Từ đầu năm đến nay, huyện Đồng Phú đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn về kinh tế bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhưng huyện vẫn đang còn những khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành nghị quyết HĐND các cấp năm 2019 đã đề ra.

Liên tiếp khó khăn

Diễn biến bất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài trong năm 2019 đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cây điều như ra bông không đều, khô bông, rụng trái non. Những năm trước, cây điều ở huyện Đồng Phú đạt năng suất bình quân hơn 1 tấn/ha, có nơi trên dưới 2 tấn/ha thì sang năm nay chỉ đạt bình quân 7,7 tạ/ha, giá ổn định nhưng thấp hơn so với năm 2018, dao động từ 25-30 ngàn đồng/kg. Cao su, tiêu cũng bị rớt giá chưa có dấu hiệu phục hồi dẫn đến kinh tế khó khởi sắc...

Xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã có nhiều nỗ lực trong làm đường giao thông để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019

Thời tiết diễn biến bất thường còn gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều hộ dân. Đơn cử đêm 2-7, mưa lớn kéo dài đã làm đổ 2.844 trụ tiêu, 30 cây điều, 438 cây cao su (ở 2 xã Tân Lợi và Tân Hòa); làm sập 20m bờ tường bao của 1 hộ dân; hư hỏng đường giao thông nông thôn của 3 hộ dân dài khoảng 70m; làm vỡ ao cá của 1 hộ dân ở xã Tân Tiến... Ông Hà Trung Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: “Trước thực trạng tác động của thời tiết, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp UBND xã bị thiệt hại nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo các lực lượng, đoàn thể cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả sau thiên tai, dọn vệ sinh, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh”.

Đầu tháng 5-2019, bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp cũng tác động xấu đến đời sống người dân trên địa bàn huyện Đồng Phú. Là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh phải công bố dịch, đến nay 10/11 xã, thị trấn trong huyện có heo bị dịch tả. Ông Hoàng Đại Hiệu, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tân Phú cho biết: “Giá heo hơi trên thị trường thời điểm đó giảm mạnh nhưng lo sợ heo nhiễm bệnh, không thể phòng tránh nên người dân vẫn bán lỗ để vớt vát vốn. Đến nay, giá heo hơi tăng mạnh nhưng người dân lại không dám tái đàn, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ chăn nuôi”.

 Tổng đàn heo trên địa bàn huyện 80.912 con. Toàn huyện có 640 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10.283 con và 34 trang trại gồm 70.629 con. 9 tháng năm nay, cơ quan chức năng của huyện đã tiêu hủy heo của 124 hộ chăn nuôi với 2.574 con/1.150,895 tấn và thực hiện tiêu độc, khử trùng song song với các chính sách hỗ trợ người dân.

Và những lo lắng, trăn trở

Hiện nay, người dân các xã, thị trấn ở huyện Đồng Phú đang tập trung cho mùa cạo mủ cao su, chăm sóc cây ăn trái, phòng trừ sâu, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng về giá mủ cao su thấp và dự báo còn kéo dài do thị trường xuất khẩu khó khăn. Bà Lê Thị Lan ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa bày tỏ: “Người dân mong muốn Nhà nước có chính sách bình ổn giá các mặt hàng nông sản, phương án hỗ trợ vốn, giãn nợ, khoanh nợ với những hộ vay vốn sản xuất chưa có điều kiện trả nợ đúng hạn, đồng thời hỗ trợ tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản”.

Cùng với đó, nhân dân trong vùng dự án BOT đường Đồng Phú - Bình Dương mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành liên quan chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư tiếp tục thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường; tránh gây bức xúc, ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đồng thời, nhà thầu chấp hành đúng thời gian thi công, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng đường ĐT741, đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt của người dân được thuận lợi và hạn chế tai nạn giao thông xảy ra. Bên cạnh đó, nhà thầu có phương án xây dựng hệ thống thoát nước đường ĐT741 hợp lý, không làm ảnh hưởng tới các hộ dân ở cuối nguồn cống. Thực tế hiện một số đoạn đường mở rộng đã thi công xong nhưng đọng nước. Sau mỗi trận mưa, lưu lượng nước lớn dồn về làm sụp đổ tường bao nhà dân, sạt lở đường giao thông nông thôn, bùn đất dồn về ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

Điều làm nhân dân trong huyện phấn khởi là được UBND tỉnh giao diện tích 14.531 ha trong vùng Dự án Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú về cho địa phương quản lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 2-2-2017 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế, huyện cần tận dụng lợi thế huyết mạch giao thông QL14, ĐT741, quy hoạch, phát triển công nghiệp - dịch vụ dọc các khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành khu đô thị tại thị trấn Tân Phú và phát huy tối đa lợi thế phát triển kinh tế công - nông nghiệp... Đó là cơ sở bền vững để Đồng Phú sớm trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020 theo mục tiêu đề ra.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
45046

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu