Thứ 7, 20/04/2024 19:54:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:55, 01/08/2019 GMT+7

Đồng Phú chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ 5, 01/08/2019 | 14:55:00 288 lượt xem
BP - Thời điểm này chưa phải là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện vì SXH trên địa bàn huyện Đồng Phú đang tăng mạnh, cao hơn 60% so cùng kỳ năm 2018. Trước diễn biến phức tạp đó, ngành y tế huyện đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Đến Khoa Nội, nhi nhiễm Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú vào thời điểm này, khu vực điều trị SXH lúc nào cũng rất đông bệnh nhân điều trị. Tính từ đầu năm đến nay, nơi đây đã tiếp nhận 257 ca SXH từ các xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là thị trấn Tân Phú với 80 ca, kế đến là Đồng Tiến 64 ca. Trong đó không ít ca diễn tiến nặng. Bà Nguyễn Thị Phúc (1964) ở ấp 3, xã Tân Lập 5 ngày qua luôn phải túc trực tại giường bệnh để chăm sóc con trai bị SXH. Nguyễn Nhật Tân (16 tuổi) - con trai bà Phúc, vốn bị chứng tăng động từ nhỏ, sức khỏe yếu, nay lại bị SXH nên cơ thể rất yếu, không ăn, không uống khiến gia đình vô cùng lo lắng. Bà Phúc cho biết: “Khi thấy cháu sốt, tôi đưa cháu đến phòng khám tư nhân, bác sĩ nói cháu bị sốt siêu vi, kê thuốc về uống được 4 ngày thì cháu bị phát ban nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, bác sĩ khám và chẩn đoán cháu bị SXH. Từ hôm đó đến giờ, cháu cứ li bì, chẳng chịu ăn, uống gì khiến tôi rất lo lắng. Gia đình tôi bán trái cây ở chợ, từ lúc cháu bị sốt thì việc buôn bán cũng ngưng hẳn để chăm sóc con. Giá như mình không chủ quan với loại bệnh này”.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn huyện Đồng PhúNhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn huyện Đồng Phú

Sau 1 tuần điều trị được ra viện vì bị SXH, đến giờ em Phạm Văn Quý (17 tuổi) ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến vẫn uể oải. Em cho biết ở khu vực gần nhà có ổ dịch nhỏ, mặc dù các ngành chức năng đã xịt hóa chất, triển khai các hoạt động diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường. Riêng tại gia đình, cứ khoảng 10 ngày, cha mẹ lại mua thuốc về xịt để diệt muỗi, phòng ngừa dịch bệnh nhưng em vẫn mắc bệnh. Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú: Rất có thể quá trình xịt thuốc của gia đình vẫn còn sót một số ngóc ngách nhỏ trong nhà nên thuốc không tiếp cận được, đây lại chính là những nơi trú ngụ ưa thích của muỗi. 

Bác sĩ Hoàng Văn Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú cho hay: Bệnh SXH năm nay xuất hiện sớm, thời tiết lại diễn biến phức tạp; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy (lăng quăng)... Ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, lơ là, chủ quan trong việc tổng vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước, đi ngủ không mắc màn... Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi để giảm số người mắc bệnh, khống chế dịch SXH lây lan ra cộng đồng. Cần huy động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong diệt bọ gậy không chỉ tại hộ dân, khu dân cư, mà cần tập trung tại các công trường xây dựng, trường học, nơi công cộng bằng việc loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết như lu, thùng phuy, xử lý rác thải sinh hoạt, hộp nhựa đựng thức ăn, nước uống...

Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã xử lý 8 ổ dịch nhỏ, đồng thời phối hợp các xã, thị trấn tổ chức phun hóa chất diệt muỗi xung quanh khu vực ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các khu dân cư nhằm triệt tiêu nguồn bệnh. Tất cả ổ dịch đều được cán bộ y tế điều tra dịch tễ học, giám sát côn trùng tại gia đình và khu vực xung quanh, được tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trước khi phun hóa chất và được làm 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày. Tuy nhiên để SXH không có điều kiện bùng phát, lây lan, ngoài các biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch của ngành y tế, mỗi người dân cần chủ động, tích cực diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách làm thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan bệnh SXH ra khỏi cộng đồng.

Trường Thịnh

  • Từ khóa
58672

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu