Thứ 7, 20/04/2024 04:59:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:21, 25/09/2020 GMT+7

“Đòn bẩy” giúp người dân vùng biên thoát nghèo

Văn Đoàn
Thứ 6, 25/09/2020 | 10:21:00 453 lượt xem
BPO - Với phương châm “Không để hộ nghèo nào bị bỏ rơi phía sau”, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bù Gia Mập đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình an sinh xã hội hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Phước Minh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Bù Gia Mập. Xã có 2.132 hộ, trong đó khoảng 30% là người dân tộc thiểu số. Đầu năm 2020, Phước Minh còn 292 hộ nghèo, chiếm 14,9% tổng số hộ toàn xã, trong đó 157 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích của Ngân hàng CSXH huyện nên nguồn vốn đã phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. 6 tháng đầu năm 2020, xã Phước Minh đã có 54 hộ thoát nghèo. Hiện nay, hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã và đang tiếp tục được hỗ trợ để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đến cuối năm 2020, Phước Minh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,9% còn 7,9%.

Phó chủ tịch UBND xã Phước Minh Bùi Ngọc Thủy chia sẻ: Trước khi nguồn vốn được phân bổ về địa phương để hỗ trợ các hộ thoát nghèo, chúng tôi đã rà soát kỹ từng đối tượng hộ nghèo, tiến hành bình xét tại thôn. Đặc biệt là phải đi sâu sát nắm bắt hoàn cảnh cụ thể từng gia đình về nhu cầu thiết yếu, cấp bách cần hỗ trợ. Qua đó, đảm bảo được các yếu tố như kịp thời, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, từ đó nguồn vốn mới thực sự phát huy hiệu quả.

Được hỗ trợ vốn kịp thời cùng với ý thức chịu khó làm ăn, gia đình ông Điểu Du ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập đã thoát nghèo bền vững

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập đã thực hiện cho vay 14/23 chương trình tín dụng chính sách với 10.923 lượt hộ, tổng vốn gần 262 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi hơn 243 tỷ đồng. Nhờ hỗ trợ kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, trong 5 năm qua, huyện Bù Gia Mập có 3.121 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi; giúp 1.570 hộ tại các xã vùng khó khăn được tiếp tục mở rộng sản xuất vươn lên làm giàu; hỗ trợ 40 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống…

Chị Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập cho biết: Hiệu quả hộ vay sử dụng nguồn vốn từ các chương trình thoát nghèo, dưới góc độ đơn vị thực hiện triển khai cho vay, tôi thấy hộ vay sử dụng vốn kịp thời, đúng mục đích, đúng từng hoàn cảnh điều kiện gia đình thì hiệu quả thoát nghèo mang tính bền vững. Trong thời gian qua, việc thực hiện từ họp bình xét đến triển khai vốn vay luôn được chúng tôi kiểm tra, hướng dẫn đến từng địa phương. Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo mang lại hiệu quả tích cực và mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo nợ xấu ngày càng giảm mạnh.

Ý thức người dân - nhân tố then chốt thoát nghèo bền vững

Song song với hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, thì ý thức chịu khó làm ăn, chủ động vươn lên trong cuộc sống của chính người dân mới là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Điển hình như gia đình ông Điểu Du ở thôn Bình Giai trước năm 2019 thuộc hộ nghèo, khó khăn của xã Phước Minh. Năm 2017, ông được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 40 triều đồng để chăm sóc vườn điều và trích một phần mua bò giống về nuôi. Nhờ chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, đến nay, gia đình ông đã có 6 con bò, trong đó 3 con bò đang có thai.

Trước đây, gia đình chị Điểu Thị Ngơu ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập thuộc diện nghèo khó khăn nhất của xã. Cuộc sống của gia đình chị gắn liền với đi làm thuê để có tiền mua gạo, chăm lo cho con đến trường. Năm 2016, với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện cho vay 40 triệu đồng, gia đình chị mua 3 con bò sinh sản. Đến nay, gia đình đã có 7 con bò. Năm 2019, hộ chị còn hỗ trợ 2 con bò cho người thân để phát triển kinh tế. Chị Điểu Thị Ngơu cho rằng, người nghèo thường không có vốn đầu tư sản xuất, đất đai ít, kiến thức cũng hạn chế. Vì vậy, khi Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ thì phải chịu khó làm ăn thì mới có thể thoát nghèo đói.

Xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng hành của Ngân hàng CSXH cùng ý thức chịu khó làm ăn của người dân, thời gian qua, đời sống bà con huyện Bù Gia Mập đã không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo hướng bền vững.

  • Từ khóa
1659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu