Thứ 6, 29/03/2024 17:04:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:49, 25/06/2020 GMT+7

Đổi đời ở Tà Thiết

Điểu Vĩnh 
Thứ 5, 25/06/2020 | 08:49:00 496 lượt xem
BPO - Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh chỉ biết trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì nay phần lớn đã chủ động và nỗ lực hơn trong cách nghĩ, cách làm. Nhờ đổi mới về tư duy, hiện mỗi cá nhân, hộ dân đã tích cực lao động sản xuất với mong muốn sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Lâm Vy, Trưởng ấp Tà Thiết (bìa phải) thường gặp gỡ bà con trong ấp để tuyên truyền chủ trương, chính sách mới

Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh chỉ biết trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì nay phần lớn đã chủ động và nỗ lực hơn trong cách nghĩ, cách làm. Nhờ đổi mới về tư duy, hiện mỗi cá nhân, hộ dân đã tích cực lao động sản xuất với mong muốn sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

Thay đổi cách nghĩ, cách làm 

Ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh có gần 74% số hộ DTTS, chủ yếu là người Khơme. Sau 18 năm sinh sống tại đây, hiện đời sống của 171 hộ dân trong ấp đã có nhiều khởi sắc. Theo thống kê mới nhất của Ban điều hành ấp, hiện 100% hộ có phương tiện nghe, nhìn và đi lại; trên 93% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; số hộ được sử dụng nguồn nước sạch chiếm 99%... Theo chuẩn nghèo đa chiều, ấp hiện còn 11 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, giảm đáng kể so với vài năm trước và số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên. 

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng với sự năng động, chịu khó, anh Lâm Út Le sớm xây dựng kinh tế đa canh với nhiều loại cây trồng, như điều, tiêu, cao su, lúa nước… và chăn nuôi bò sinh sản. Bình quân hằng năm, gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Anh Lâm Út Le cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ biết trồng lúa, cuộc sống rất khó khăn. Bây giờ thấy người Kinh trồng nhiều loại cây có hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi cũng học cách làm theo. Mình còn trẻ, có sức thì phải lo làm để có điều kiện nuôi con ăn học và cải thiện cuộc sống”.

Nói về sự vượt khó vươn lên trong cuộc sống, gia đình chị Lê Thị Ngọc Huyền và anh Lâm Than đáng để người dân trong ấp Tà Thiết học hỏi. Mồ côi cha từ nhỏ, lại không có đất, chị Huyền học đến lớp 5 phải nghỉ học phụ giúp mẹ kiếm sống. Cuộc sống mưu sinh giúp chị có thêm nghị lực. Từ chỗ phải ở nhà tạm, hiện vợ chồng anh chị mua được 2 ha điều, 3 sào ruộng, mua đất xây nhà cho 2 người con trị giá gần 1 tỷ đồng. “Tôi cố gắng làm ăn, chi tiêu tiết kiệm để ổn định cuộc sống. Gia đình tôi giờ không khổ cực như trước nữa” - chị Huyền chia sẻ.

Một lòng vững tin vào Đảng

Ngoài được Bộ tư lệnh Quân khu 7 quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương còn có những chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển về mọi mặt. Từ đó làm thay đổi nhận thức của bà con, tinh thần đoàn kết ngày càng phát huy. Hơn 20 năm sinh sống tại ấp Tà Thiết, anh Lâm Vy đã có 14 năm làm việc trong Ban điều hành ấp, trong đó có 3 năm làm Phó ấp và làm Trưởng ấp từ năm 2009 đến nay. Anh Lâm Vy cho biết: Những năm trước, Tà Thiết từng là địa bàn rất phức tạp về tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, vượt biên trái phép, số hộ đói, nghèo cao… Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tôi cùng Ban điều hành ấp vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm nên đời sống người dân ngày càng ổn định, mọi hoạt động đi vào nền nếp, bà con đoàn kết, một lòng vững tin vào Đảng và Nhà nước. 

Tinh thần đoàn kết, chung sức một lòng của người dân ấp Tà Thiết thể hiện rõ bằng những việc làm cụ thể, như trồng cây, làm cỏ, dọn dẹp nhà văn hóa cộng đồng, vần đổi công, hỗ trợ người nghèo… Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào, như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây - con giống, khoa học - kỹ thuật, vật tư nông nghiệp… giúp sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. 

Với căn nhà khang trang và 3 ha đất sản xuất, vợ chồng ông Lây Phay ở ấp Tà Thiết và những người con trong gia đình không còn lo thiếu trước hụt sau. Nhớ lại ngày còn ở sóc Tà Thiết cũ, gia đình ít đất, lại chưa biết cách làm ăn nên cuộc sống rất khó khăn, ông Phay nói: “Trước đây, sống ở sóc cũ, cuộc sống khó khăn, đất đai rất ít. Kể từ khi Bộ tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ nhà, đất sản xuất, tôi trồng cây điều, cao su giờ có thu hoạch nên cuộc sống tốt hơn nhiều”. 

Kinh tế nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, đồng bào DTTS ở ấp Tà Thiết ngày càng chú trọng việc học hành của con em. Nhờ vậy, hằng năm 100% trẻ em đến tuổi đều được đi học. Minh chứng, ở Trường TH&THCS Lộc Thịnh có trên 200 học sinh thì có đến 95% học sinh DTTS. 

Đổi thay trong cuộc sống, cách nghĩ, cách làm, vững tin vào Đảng, đoàn kết một lòng, đồng bào DTTS ấp Tà Thiết ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần làm giàu quê hương, đất nước.       

“Đời sống của bà con ấp Tà Thiết giờ đây đã cải thiện rõ rệt, từ nhận thức đến văn hóa, tinh thần và vật chất. Đồng bào hiện sống khá văn minh, biết giữ vệ sinh, cho con cái đi học, có sinh hoạt cộng đồng và sinh hoạt riêng lẻ của từng gia đình. Mỗi gia đình vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp cận lối sống văn minh”. 
Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân cho biết

  • Từ khóa
1652

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu