Thứ 6, 29/03/2024 05:58:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:48, 09/12/2015 GMT+7

“Dấu ấn” bộ đội biên phòng trên biên giới (Bài 5)

Thứ 4, 09/12/2015 | 08:48:00 1,940 lượt xem

>> Bài 1: Dọc đường tuần tra
>> Bài 2: Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị

>> Bài 3: Tín hiệu tích cực từ công tác đối ngoại
>> Bài 4: Đồn biên phòng Đắk ơ - điểm tựa vững chắc vùng biên

Bài 5: Đồn biên phòng đắk bô - nơi rèn luyện người lính

BP - Nằm ở vị trí xa xôi, cách trở, cơ sở vật chất thiếu thốn, địa hình phức tạp nhất trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước, thế nhưng những năm qua các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Bô đã tiếp nối nhau bảo vệ, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Mỗi tấc đất, đường biên mốc dấu nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và chứa chất bao nỗi niềm của người lính mang quân hàm xanh. Đồn Đắk Bô trở thành nơi rèn luyện, thử thách và là cái nôi trưởng thành của nhiều cán bộ chỉ huy biên phòng Bình Phước.

Cán bộ, chiến sĩ lên đường tuần tra biên giới

Những khó khăn...

Từ trung tâm xã Bù Gia Mập đến Đồn biên phòng Đắk Bô hơn 52km. Con đường tuần tra biên giới quanh co, uốn lượn, nhiều khúc cua gấp, dốc thẳm nên dù cố gắng đi nhưng cũng phải mất gần 2 giờ, chúng tôi mới có mặt tại đơn vị. Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Lê Văn Hiền, Chính trị viên đơn vị nói: “Trong tất cả đồn biên phòng ở tỉnh Bình Phước thì Đắk Bô khó khăn nhất. Địa bàn đồn quản lý cách xa khu dân cư, trung tâm chỉ huy, khí hậu lại khắc nghiệt khiến nhiệm vụ lính biên phòng thêm phần vất vả. Chỉ riêng chuyện tiếp phẩm, đảm bảo đời sống cán bộ, chiến sĩ cũng là cả vấn đề. Do đồn nằm cách xa chợ xã Bù Gia Mập nên phải tiếp phẩm từ huyện Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông, 2 ngày/lần”.

Vùng đất nơi đồn đứng chân phần lớn là sỏi đá nhưng đơn vị đã khắc phục khó khăn, tận dụng bãi đất bồi ở dòng suối Đắk Bô để chủ động tăng gia sản xuất, tự túc rau xanh và một phần thực phẩm. Trong bữa cơm trưa thân mật, nhìn các món ăn, Trung tá Hiền nói: “100% là cây nhà lá vườn. Rau xanh, cá, thịt đều do chiến sĩ ở đây nuôi, trồng”. Hiện đơn vị nuôi 50 con heo, 10 con bò, hàng trăm con gà, vịt và hơn 2 sào rau xanh các loại. Cũng do địa bàn cách trở nên hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với đơn vị bạn và các cơ quan, đoàn thể địa phương gần như rất ít. Báo chí thì 2 ngày mới có một lần.

Được thành lập hơn 10 năm nhưng đến nay đồn vẫn mượn đất của Vườn quốc gia Bù Gia Mập làm trụ sở tạm với các căn nhà gỗ lợp tôn chật chội, nóng bức. Hiện nay, đơn vị chỉ có điện năng lượng mặt trời được đầu tư từ lâu nên dung lượng thấp, mọi sinh hoạt như: xem tivi, ánh sáng, bơm nước, quạt... đều phải hạn chế. Để có nước sinh hoạt, hằng ngày các chiến sĩ phải dùng máy nổ bơm nước từ lòng suối Đắk Bô lên bồn sử dụng thông qua hệ thống bể lọc. “Ở đây thiếu thốn đủ bề, xa quê hương nhưng được chỉ huy đồn quan tâm, động viên tinh thần, đặc biệt khi về đây ai cũng xác định được tư tưởng, trách nhiệm của mình nên nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao” - Thượng úy Trần Văn Khá, nhân viên báo vụ, cán bộ mới được tăng cường từ tỉnh Hà Giang, chia sẻ.

Và quyết tâm vượt khó

Trung tá Hiền cho biết, tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ chính của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nhưng ở đây khá gian khổ bởi đường biên giới chủ yếu là rừng, hiểm trở. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng là tuần tra, bảo vệ đường biên và hệ thống cọc dấu. Trước mỗi chuyến tuần tra dài ngày dọc tuyến biên giới, tổ tuần tra phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm cần thiết. Ngoài gạo, thức ăn, nước uống thì vật dụng không thể thiếu là xà - cạp (loại tất dày, dài, dùng đeo vào chân) để phòng chống ve, vắt và các loại thuốc cảm cúm, chống viêm loét. Theo quy định, ít nhất 1 tháng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng phải thực hiện 1 chuyến tuần tra đến các cọc dấu nơi đơn vị mình quản lý 1 lần.

Thiếu tá Phạm Văn Sáu, Đội trưởng Đội vũ trang nói: “Mỗi lần tuần tra dọc đường biên giới dài ngày, tất cả chiến sĩ phải khoác ba lô nặng gần 40kg với những vật dụng cần thiết như gạo, thức ăn, nước uống, tăng võng... Gặp lúc trời mưa, vắt, ve cám như “nở” ra từ các lùm cây, bám khắp người. Tăng võng ướt sũng nước nên đêm đến khó khăn lắm mới ngủ được. Hầu hết quãng đường cần vượt qua trong chuyến tuần tra là rừng và rừng. Muốn đi qua được, anh em phải phát cây mở đường, sau lưng là ba lô với những xoong nồi, rựa và nhiều vật dụng cần thiết nên hễ va chạm vào cây là méo mó, đổ vỡ. Đến khi dừng chân để nấu cơm, dù ai cũng cố gắng làm “thợ gò” nhưng chẳng thể làm khít nồi với nắp đậy. Gặp lúc trời mưa, củi ướt nên cơm sống hiển nhiên thành “đặc sản” - thứ đặc sản có lẽ chỉ cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng mới được nếm trải”. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Bô vẫn đoàn kết vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân trên tuyến biên giới.

Bình - Thuyên

  • Từ khóa
3224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu