Thứ 5, 25/04/2024 11:51:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 13/07/2011 GMT+7

Tăng lương.... mừng và lo

Thứ 4, 13/07/2011 | 00:00:00 115 lượt xem

Nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp trước lộ trình và không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI như trước đây.

Theo đó đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 sau khi điều chỉnh sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện hành từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tại các vùng 2, 3 và 4, mức lương tối thiểu sẽ lần lượt được điều chỉnh lên 1,73 triệu, 1,55 triệu và 1,4 triệu đồng/tháng.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm tăng cao như hiện nay thì việc tăng lương sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống. Hơn nữa, lương thấp còn là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc tăng trước thời hạn và mức tăng đột biến như đề xuất trên sẽ làm nảy sinh những bất cập. Thứ nhất là hiện nay, giá nguyên liệu tăng cao đã đội chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên rất nhiều. Đối với những doanh nghiệp mà giá sản phẩm bán ra cũng tăng giá theo tốc độ tăng chỉ số giá đầu vào thì không sao, nhưng với những doanh nghiệp mà sản phẩm không thể tăng giá, trong khi giá đầu vào vẫn tăng, nay cộng thêm tăng lương mấy chục phần trăm chắc chắn sẽ gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất và không tiếp nhận thêm, thậm chí có không ít doanh nghiệp phải sa thải lao động.

Bất cập thứ hai là cơ chế tiền lương theo vùng đang có những bất hợp lý, vì không phân theo ngành nghề, không theo cường độ lao động và cũng không theo hiệu quả của từng doanh nghiệp. Trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, hao phí sức lao động trong mỗi doanh nghiệp khác nhau, hiệu quả lao động khác nhau, đầu ra cũng hoàn toàn khác nhau thì không thể chỉ có một loại lương giống nhau.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động với tổ chức công đoàn có tiếng nói thực sự trong doanh nghiệp. Nếu như tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp và người sử dụng lao động có mối quan hệ tốt, hai bên có thể bàn bạc để quyết định tiền lương cụ thể, hợp lý trong từng thời điểm, phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của cả hai bên. Trong thời buổi khó khăn, công đoàn có thể chấp nhận một mức lương thấp hơn để cùng doanh nghiệp vượt khó, sau đó có thể tăng lên theo đúng năng suất lao động. Như vậy, người lao động vẫn duy trì được việc làm và doanh nghiệp cũng có điều kiện từng bước tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Văn Minh

  • Từ khóa
108302

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu