Thứ 6, 19/04/2024 12:16:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 23/09/2011 GMT+7

Dịch bệnh “xóa sổ” các vùng điều

Thứ 6, 23/09/2011 | 00:00:00 262 lượt xem

Bù Đăng là địa phương có diện tích cây điều lớn thứ hai trong tỉnh, với khoảng 70.746 ha. Những năm trước, cây điều giúp nông dân Bù Đăng đổi đời, thoát khỏi nghèo đói, vươn lên khá giả. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, ngoài nỗi lo mất mùa, mất giá, cây điều còn bị dịch bệnh tàn phá nặng nề, gây thiệt hại tiền tỷ cho hàng ngàn hộ dân.

SÂU RÓM ĐỎ “TRẢI THẢM” CÂY ĐIỀU

Có mặt tại vùng “rốn” của dịch sâu róm đỏ là xã Nghĩa Bình, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn điều bị sâu tàn phá chỉ còn trơ lại cành và thân. Xã Nghĩa Bình có hơn 2.700 ha điều thì đa số đã bị sâu róm đỏ tấn công, trong đó hơn 40% diện tích bị sâu róm đỏ ăn không còn chiếc lá nào. Đây cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Bù Đăng trong đợt dịch này.

Vườn điều của ông Điểu Nhiêm bị sâu róm đỏ ăn trụi hết lá

Ông Điểu Nhiêm, chủ vườn điều rộng 2 ha ở sóc 28, xã Nghĩa Bình, cho biết: “Vào tháng 8, vườn điều nhà tôi bị một đợt sâu róm đỏ tàn phá trên cây điều. Chỉ trong vòng 3 ngày, sâu đã ăn toàn bộ lá điều, chỉ còn trơ lại thân, cành. Gia đình tôi cố gắng diệt trừ bằng phun thuốc vào các ổ sâu khắp vườn nhưng chỉ cứu được khoảng 1 sào”. Ông Nhiêm cho biết thêm, nhiều vườn điều ở sóc 28 cũng bị sâu róm đỏ ăn hết lá.

Bà Điểu Thị Qua ở xã Nghĩa Bình kể lại: “5 sào điều nhà tôi bị sâu ăn hết lá. Do không có tiền mua thuốc để xịt nên chỉ đi gom cành, bắt các ổ sâu, nhưng nhiều quá không cách nào làm xuể”. Theo kinh nghiệm của người dân, những vườn điều bị sâu róm đỏ tàn phá có thể làm giảm năng suất khoảng 60% trong vụ tới. Bên cạnh đó, điều bị trọc lá, dự đoán sẽ ra hoa sớm hơn, nếu gặp những trận mưa cuối mùa năng suất sẽ giảm mạnh.

Việc phòng chống sâu róm đỏ hại điều ở huyện Bù Đăng đang gặp khó khăn do năm trước phần lớn các vườn điều ở đây bị mất mùa, gió lốc làm gãy cây, cho thu nhập thấp nên người trồng nản chí không quan tâm chăm sóc. Ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo về tình hình sâu róm đỏ bùng phát để người dân triển khai các biện pháp phòng chống. Thuốc diệt trừ loại sâu này hiện có rất nhiều. Trạm khuyến nông huyện cũng đã tham mưu cho chính quyền xã tổ chức hướng dẫn nông dân cách phun xịt phòng chống. Thế nhưng công xịt và thuốc xịt tăng cao, người dân không đủ chi phí cứu vườn điều. Ngoài ra, do diện tích điều ở địa phương được trồng phân tán ở những vùng đồi núi nên việc phòng trừ sâu cũng gặp nhiều khó khăn”.

Hiện dịch sâu róm đỏ đã lan rộng ra nhiều xã khác như Đức Liễu, Nghĩa Trung... Đáng lo ngại hơn là những vườn điều trọc lá, trơ ra chi chít kén, nếu không diệt triệt để, chỉ 3 tháng sau sẽ thành nạn bướm và sâu không thể cứu vãn nổi.

ĐIÊU ĐỨNG VÌ DỊCH BỆNH

“Nếu bị sâu róm ăn hết lá, cây điều vẫn còn sống và tiếp tục cho thu hoạch; còn những cây bị sâu đục thân, con hà ăn gốc, cây sẽ chết dần. Đặc biệt, có nhiều cây điều lá giống như bị cháy xém, dần dần vàng lá cả cây rồi rụng hết. Những cây này nhìn tưởng như bị sâu róm ăn lá, nhưng thật ra là đã chết khô, không cứu được”, ông Phạm Văn Huề ở xã Nghĩa Bình nói trong đau xót.

Theo kỹ sư Đàm Ngọc Tiến, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, những năm trước đây, sâu róm đỏ chỉ xuất hiện rải rác ở các vườn điều trên địa bàn tỉnh, nhất là sau khi thời tiết thay đổi thất thường. Lúc nhỏ sâu róm đỏ sống thành từng đàn trên một vài lá, khi lớn phát tán ra diện rộng. Sâu róm đỏ ăn theo bầy đàn dẫn tới trụi cả lá điều, ảnh hưởng đến năng suất của cây.

Để phòng trị, nông dân có thể dùng những loại thuốc như: Secsaigon 10EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC... Khi phát hiện ra sâu róm đỏ, nông dân cần xử lý sâu còn nhỏ sống tập trung và ngắt, đốt bỏ các kén.

Tháng 9 đang là thời điểm điều bắt đầu ra đọt non lần thứ nhất, thế nhưng dọc hai bên đường từ thị xã Đồng Xoài đi huyện Bù Đăng, qua các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Đức Liễu... thay vào màu xanh mướt, những đọt non óng ả hứa hẹn vụ điều bội thu là những vườn điều úa vàng, khô như vừa trải qua vụ cháy, số thì chết trơ thân dù trời vẫn mưa.

Theo một số người dân tại Bù Đăng, tình trạng điều bị vàng lá, rồi khô cành, cuối cùng là chết xuất hiện từ nhiều năm trước và chỉ rải rác ở một vài cây, dần về sau thì lan rộng nhưng đến vụ này thì nơi nào cũng bị. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng, cho biết: “Điều bị vàng lá rồi chết hàng loạt diễn ra tại nhiều xã, vẫn chưa thống kê hết được, nặng nhất là hai xã Đăng Hà và Đức Liễu. Chỉ riêng xã Đăng Hà đã có hơn 200 ha điều bị chết khô do vàng lá”.

Ông Hùng cho biết thêm: “Chính quyền đã phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tìm nguyên nhân cây điều vàng lá rồi chết, nhưng hiện vẫn chưa xác định được là do bị bệnh gì. Trước tình hình đó, vài hộ dân đã cưa những diện tích điều bị sâu bệnh để trồng cao su, nhưng phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn trông chờ cây điều hồi sinh vì không có khả năng để chuyển đổi sang loại cây trồng khác”.

Rất mong các ngành chức năng, nhất là ngành bảo vệ thực vật, khuyến nông các cấp có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để giúp người nông dân Bù Đăng cứu được vườn điều, tránh tình trạng tái nghèo do dịch bệnh gây ra.

H. Thu - T. Ly

  • Từ khóa
39187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu