Thứ 7, 20/04/2024 17:07:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:32, 13/03/2020 GMT+7

Di sản văn hóa và du lịch Lộc Ninh - những điều trăn trở - Bài cuối

Đông Kiểm
Thứ 6, 13/03/2020 | 15:32:00 1,312 lượt xem

LÀM SAO ĐÁNH THỨC DI SẢN?

Việc đánh thức khối di sản văn hóa đồ sộ hiện có của Lộc Ninh để phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề có tính cấp thiết mà Đảng bộ huyện Lộc Ninh cần đặt ra trong nhiệm kỳ tới. Ngoài khắc phục những tồn tại hạn chế hiện tại, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung nhiều giải pháp đầu tư, tôn tạo nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cả về hình thức lẫn nội dung. Trong đó, tiến hành xây dựng một số mô hình, sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh là việc cần làm càng sớm càng tốt.

Sản phẩm du lịch cần đánh thức

Hospital Locninh (Bệnh viện Lộc Ninh) được xây dựng cách đây hơn thế kỷ mang lối kiến trúc mái vòm hết sức độc đáo từ thời Pháp thuộc. Cho dù được xây dựng theo lối kiến trúc nào thì nó vẫn được hình thành bằng công sức, mồ hôi và cả nước mắt của công dân Việt Nam một thời nô lệ lầm than. Đi cùng năm tháng, nó trở thành biểu tượng của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Ngày nay, chúng ta thử cải tạo thành mô hình du lịch trải nghiệm “Thử thách với thế giới người chết” - nơi có lịch sử hàng trăm năm tồn tại gắn liền với sự chết chóc của phu cao su. Nếu du khách khi bước vào bệnh viện hàng trăm năm tuổi để chứng kiến sự ra đi của phu cao su vì sốt rét rừng, vì đói khát sẽ gợi nhớ một thời lầm than để thấy được giá trị to lớn của độc lập, tự do của cả dân tộc hôm nay. Mô hình ấy còn dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm yếu tố tâm linh, huyền bí để biết trân quý giá trị của thực tại đang có.

Phá bàu - một trong những lễ hội đặc sắc của người Khơme ở xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) - Ảnh: Hưng Điền

Tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm phu cao su”: Lộc Ninh là một trong những nơi tư bản Pháp tiến hành hoạt động khai hoang, lập đồn điền cao su với quy mô lớn. Nói đến giai đoạn lịch sử này, nhiều người hẳn chưa quên: “Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, hoặc “Lỡ lầm vào đất cao su, không tù mà cũng như tù chung thân” để nói lên sự thống khổ tột cùng của người dân dưới sự khai thác, bóc lột hà khắc của tư bản Pháp và chính quyền cai trị thời bấy giờ. Nhà máy chế biến mủ tờ của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hiện nay vẫn giữ nguyên vẹn quy trình chế biến từ thời Pháp. Đây sẽ là lợi thế để Lộc Ninh thu hút du khách thông qua tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm phu cao su” đầy sức cuốn hút trong hiện tại và cả tương lai.

Tại xã Lộc Tấn, hiện còn 1 quần thể gồm các di tích, chứng tích ghi dấu thời kỳ khai hoang lập đồn điền của tư bản Pháp ở Lộc Ninh như: Nhà hát, bệnh viện, làng Công Tra, nhà điểm danh, nhà thờ... Tour trải nghiệm “Một ngày làm phu cao su” gồm các hoạt động: Ở nhà Công Tra, tối xem phim, coi hát thời Pháp tại nhà hát; sáng tham gia điểm danh, bị phạt ở thời quá khứ Pháp, đặc biệt là hình thức phạt đóng trăn hết sức sinh động... Hoạt động này còn giúp việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của những công nhân cao su thời Pháp thuộc một cách sinh động, hiệu quả. Mặc dù ở Nam bộ có nhiều đồn điền cao su, có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng thời Pháp thuộc nhưng chỉ có Lộc Ninh hiện còn lại các công trình tương đối đầy đủ, nguyên vẹn. Do đó, việc xây dựng tour “Một ngày làm phu cao su” ở Lộc Tấn là rất phù hợp cho loại hình du lịch trải nghiệm và khám phá.

Tour “du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa”: Lộc Ninh có nhiều cộng đồng dân tộc còn lưu giữ các loại hình di sản văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Trong số đó, có thể kể đến cộng đồng dân tộc S’tiêng ở Lộc Hòa - nơi còn nhiều nhà ở truyền thống, còn gìn giữ cồng chiêng với số lượng lớn (hơn 40 bộ), nơi còn nhiều phong tục tập quán truyền thống rất đặc sắc; hay xã Lộc Thuận - nơi có đội múa kết hợp trình diễn cồng chiêng. Đặc biệt, Lộc Khánh có nhiều điều kiện để tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm sắc thái văn hóa hấp dẫn. Địa phương này có đồng bào dân tộc Khơme sinh sống lâu đời, còn gìn giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có giá trị và mang bản sắc riêng có của Lộc Khánh. Chẳng hạn như lễ hội truyền thống (tiêu biểu là lễ hội Xuống đồng, Dua Tpeng), phong tục tập quán (có thể kể đến là tục xuất gia tu học, tục cưới truyền thống), tri thức dân gian, nghề truyền thống (trong đó có nghề đan chiếu Lùng)...

Mô hình “Khám phá di tích gắn với lễ hội truyền thống”: Đây là mô hình du lịch đang được nhiều người ưa thích và lựa chọn. Mô hình này vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa vừa thỏa mãn nhu cầu hành hương, tổ chức các hoạt động tâm linh của người dân. Mô hình này có thể thực hiện được ở các di tích như: Bãi Tiên ở xã Lộc An, chùa Sóc Lớn ở xã Lộc Khánh. Di tích Bãi Tiên là nơi lưu dấu câu chuyện thần thoại gắn với lễ hội Phá bàu (Hanh Tranh) - lễ hội có quy mô lớn của người S’tiêng. Chùa Sóc Lớn được xem là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Khơme ở huyện Lộc Ninh nói chung, xã Lộc Khánh nói riêng. Ngôi chùa này cũng là một trong những di tích văn hóa cấp tỉnh nhưng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng văn hóa vốn có của nó.

Thay lời kết

Các mô hình du lịch đã nêu nếu được đầu tư, xây dựng một cách bài bản sẽ là nguồn lực để Lộc Ninh phát huy thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn không khói cho cả hiện tại và tương lai. Để làm được điều đó đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, ý chí quyết tâm hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhiệm vụ trước mắt, Lộc Ninh nói riêng và ngành văn hóa nói chung cần khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế của hệ thống di tích. Trong đó tập trung cải cách cơ chế quản lý, vận hành và cả trong tư duy thực hiện để tạo tiền đề cho du lịch khởi sắc.

Cho dù phát huy ở khía cạnh nào cũng có thể khẳng định, thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Lộc Ninh là việc làm cấp thiết. Đây không chỉ góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Trung ương về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

  • Từ khóa
94203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu