Thứ 5, 25/04/2024 02:14:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:24, 04/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Bất cập về di sản thờ cúng

Thứ 4, 04/03/2015 | 15:24:00 3,100 lượt xem
BP - Trong Bộ luật Dân sự hiện hành (năm 2005) có quy định rất cụ thể về người quản lý di sản (Điều 638), quyền của người quản lý di sản (Điều 639) và nghĩa vụ của người quản lý di sản (Điều 640). Tuy nhiên, trong bộ luật này không có bất cứ một điều, khoản nào quy định về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng. Chính vì thế không có cơ sở xác định việc một người có vi phạm nghĩa vụ thờ cúng hay không hoặc họ có những quyền lợi nào khi thực hiện nghĩa vụ thờ cúng?

Trong thực tế hiện nay, để xác định một người có vi phạm nghĩa vụ thờ cúng hay không chỉ có thể đối chiếu việc người đó đã thực hiện đúng di chúc hoặc với những thỏa thuận của người thừa kế. Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp người lập di chúc không xác định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và những người thừa kế cũng không thỏa thuận về vấn đề này thì dựa vào tiêu chí nào để xác định họ đã vi phạm nghĩa vụ thờ cúng? Trong khi đó, Nhà nước hoàn toàn có thể luật hóa những nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, chẳng hạn như nghĩa vụ cúng giỗ, sửa sang chăm lo phần mộ, bảo quản đồ thờ cúng như hoành phi câu đối, sổ ghi danh dòng họ, lư hương, đỉnh đồng... tương ứng với nghĩa vụ là quyền lợi của người quản lý di sản thờ cúng được hưởng hoa lợi, hoặc hưởng lợi từ các loại tài sản là di sản thờ cúng. Chẳng hạn, trồng cây, trồng hoa màu trên đất của dòng họ. Hơn nữa, vì trong thực tế thì người quản lý phải chi dùng cho việc thực hiện nghĩa vụ thờ cúng cũng như “công” bỏ ra để làm tất cả những gì theo nghi lễ và theo tập quán hay tín ngưỡng phải thực hiện để quy định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản. Do đó, nếu trong Bộ luật Dân sự không quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể thì bản thân họ và những người thừa kế khác không biết được quyền lợi và nghĩa vụ đến đâu để xử sự và căn cứ pháp lý nào để xác định họ vi phạm nghĩa vụ thờ cúng.

Bất cập thứ hai là trong Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định về ai là người đại diện trước cơ quan bảo vệ pháp luật khi di sản thờ cúng bị chiếm hữu trái pháp luật. Trong thực tế cho thấy có khá nhiều đơn khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho dòng họ khi nhà thờ họ, quyền sử dụng đất của dòng họ dùng làm nơi thờ cúng bị chiếm hữu trái pháp luật. Nhưng người khởi kiện gặp khó khăn khi bị tòa án bác đơn yêu cầu vì tư cách chủ thể khởi kiện là không đảm bảo (chỉ có chủ sở hữu hoặc đại diện hội đồng gia tộc thực hiện quyền này). Đây là một nội dung khá phức tạp vì di sản thờ cúng không thuộc sở hữu của chủ thể nào, không phải dòng họ nào cũng có hội đồng gia tộc, nhưng pháp luật lại cấm những hành vi xâm phạm tới di sản thờ cúng, xâm phạm tới đời sống tâm linh của một dòng họ.

Bất cập thứ ba là trong Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng không quy định về vấn đề “mãn kết” di sản thờ cúng, tức là chấm dứt quyền quản lý đối với di sản thờ cúng vào một thời điểm nhất định. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thì rất cần có quy định về vấn đề này, vì theo luật tục Việt Nam, vấn đề gắn kết trong anh em dòng tộc, vấn đề chịu tang cho người đã khuất chỉ dừng lại ở đời thứ năm. Kể từ đời thứ sáu trở đi, người được cúng giỗ chỉ bao gồm trong danh từ là tổ tiên và con cháu không phải cúng giỗ vào ngày kỵ riêng của người ấy nữa. Mặt khác, di sản thờ cúng sử dụng đến đời thứ năm nằm trong thực trạng hư hỏng, mục nát... vì thế cần phải có cơ chế khi người quản lý di sản đời thứ năm qua đời thì phải được bắt đầu từ đời đầu tiên của vấn đề “kế thế” chủ lễ cúng bái để có điều kiện tôn tạo xây dựng mới nhà thờ cũng như tất cả các đồ thờ cúng theo luật tục Việt Nam.

Như Hoa

  • Từ khóa
12645

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu