Thứ 7, 20/04/2024 02:47:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:58, 27/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Di chúc có được viết tắt?

Thứ 6, 27/02/2015 | 07:58:00 2,349 lượt xem
BP - Tại Khoản 2 của Điều 653 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định như sau: 2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Và tại Khoản 2, Điều 654 trong dự thảo Bộ luật Dân sự, nội dung trên vẫn được giữ nguyên như luật hiện hành.

Mặc dù luật quy định là vậy, nhưng theo nhận xét của cá nhân tôi thì trong thực tế tình trạng này vẫn còn tồn tại, tức là vẫn có không ít trường hợp trong nội dung của di chúc có những từ được viết tắt. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được hưởng thừa kế cũng như tôn trọng ý chí của người lập di chúc, tôi đề xuất ý kiến rằng pháp luật cũng cần có quy định linh hoạt, mềm dẻo về vấn đề này, đồng thời nên thừa nhận hiệu lực pháp luật của di chúc chung đó trong từng trường hợp, cụ thể như sau: Nếu di chúc có viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu nhưng những người hưởng thừa kế của người lập di chúc cùng hiểu theo một nghĩa thì di chúc đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Còn nếu di chúc có viết tắt mà mỗi người thừa kế hiểu theo một cách khác nhau và không thống nhất được cách hiểu chung thì di chúc đó không có giá trị pháp lý. Nếu di chúc có nhiều phần thì phần nào có chữ viết tắt, ký hiệu thuộc trường hợp trên không có giá trị pháp lý, còn các phần khác thì vẫn có giá trị pháp lý.

Vấn đề sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc: Pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng trong trường hợp cả hai vợ chồng cùng đồng ý. Còn vợ hoặc chồng chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc trong trường hợp một bên đã chết trước. Như vậy, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì pháp luật đã chưa quy định về quyền sửa đổi, bổ sung di chúc của vợ hoặc chồng trong trường hợp bên kia còn sống nhưng không đồng ý. Vì vậy, tôi đề xuất trong nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần bổ sung thêm quy định của pháp luật về trường hợp này.

Cụ thể là Khoản 2, Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2005 cần được bổ sung quy định như sau: Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một bên vợ hoặc chồng không đồng ý thì bên kia cũng có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc chung trong phạm vi tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời, trong dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực của phần di chúc được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp này.

Về hiệu lực pháp luật của di chúc: Tôi đề nghị sửa đổi nội dung Điều 668 của Bộ luật Dân sự năm 2005 về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng (trường hợp cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc và trường hợp có một bên chết trước). Nội dung sửa đổi cụ thể như sau: Trong trường hợp vợ, chồng cùng lập di chúc chung nhưng không có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung mà có một người chết trước thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ, chồng lập di chúc chung và có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó. Vợ, chồng cùng lập di chúc chung nhưng sau đó một bên sửa đổi, bổ sung di chúc mà không được sự đồng ý của bên kia thì phần di chúc đã bị sửa đổi, bổ sung đó có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm người để lại di sản đó chết. Tuy nhiên, ở nội dung này cũng cần quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc trong trường hợp cả vợ và chồng, hoặc vợ, chồng lập nhiều di chúc.

Phượng Như

  • Từ khóa
12627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu