Thứ 5, 28/03/2024 20:22:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:16, 04/06/2020 GMT+7

Ðể tránh hệ lụy khi chia sẻ thông tin

Hồng Hạnh
Thứ 5, 04/06/2020 | 08:16:00 245 lượt xem
BPO - Ngày 15-4-2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực.

Nghị định này đã dành hẳn một điều để quy định về mức xử phạt đối với người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Điều đáng chú ý nhất là việc chia sẻ những thông tin giả mạo cũng như các tác phẩm báo chí, văn học,... mà chưa được sự cho phép, là những hành vi người sử dụng mạng dễ mắc phải.

Cụ thể, tại Điều 101 của nghị định này quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu. Ngoài mức phạt nêu trên, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hay thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên...

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, việc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức không phải là vấn đề mới, mà từ trước tới nay đã có không ít trường hợp phải gánh hệ lụy vì chỉ là “thích” hay ham vui hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì thế, mỗi thành viên của cộng đồng mạng xã hội trước khi chia sẻ, đăng tải thông tin mà mình cho là hữu ích thì phải tìm nguồn đáng tin cậy và được sự xác thực từ cơ quan có thẩm quyền. Còn đối với trường hợp đăng tin vì mục đích “câu like”, “câu view” thì tùy từng trường hợp, căn cứ vào mức độ vi phạm, mục đích của hành vi và cuối cùng là hậu quả từ hành vi đó gây ra, mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là sự phiền hà khi người sử dụng mạng xã hội làm sao có thể liên thông với tác giả hay cơ quan là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm, để thực hiện việc đăng tải những tác phẩm, những đoạn văn hay, những bài viết sâu sắc... Trong khi đó, để truyền tải thông tin cũng như tăng tính truyền thông từ các tác phẩm báo chí thì cho đến nay, chưa có trường hợp cơ quan truyền thông yêu cầu về việc xin phép đối với người dùng. Còn việc copy có ghi nguồn là điều kiện bắt buộc khi chia sẻ thông tin từ một đối tượng khác để tránh phiền hà vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, để tránh tình trạng “báo hóa”, tại Công văn số 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu: Các trang thông tin điện tử tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo.

Như vậy, việc chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, xuất bản phẩm,... đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp là đã rõ, còn với cộng đồng mạng thì việc chia sẻ thông tin như thế nào để không vi phạm và bị xử phạt? Từ thực tế này, theo ý kiến cá nhân người viết bài thì khi cơ quan truyền thông chủ động để các biểu tượng được hoặc không được chia sẻ thông tin. Qua đó, độc giả nói chung và cộng đồng mạng xã hội nói riêng dễ dàng nhận biết và thực hiện quyền truyền tải, chia sẻ thông tin và ngược lại, nếu có những dấu hiệu bắt buộc phải xin phép hay phải được sự đồng ý thì bạn đọc sẽ chú ý và cẩn trọng với những thông tin này. Việc này vừa trân trọng bạn đọc vừa giúp người sử dụng mạng thích chia sẻ tránh được hệ lụy từ pháp luật.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu