Thứ 6, 29/03/2024 05:56:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:40, 19/11/2019 GMT+7

Để sáng tạo khoa học, công nghệ đi vào cuộc sống - Bài cuối

Thứ 3, 19/11/2019 | 06:40:00 582 lượt xem

VÌ CUỘC SỐNG XANH

BP - Phong trào sáng tạo khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh, thu hút đông tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều sáng tạo, cải tiến có tính ứng dụng cao được cơ quan chức năng hỗ trợ đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, những sáng tạo, cải tiến, nghiên cứu khoa học, công nghệ “xanh” đã góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Sáng tạo cần được nhân rộng

Bình Phước có khoảng 242 ngàn ha cao su, trong đó phần lớn diện tích thuộc các công ty nhà nước như: Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long, Sông Bé, Đồng Phú và Bình Phước. Trong khi đó, trung bình mỗi công ty có 1-2 nhà máy và 12 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế biến mủ cao su. Do khó khăn trong xử lý nước thải từ hoạt động chế biến mủ cao su nên không ít nhà máy gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Để bảo vệ môi trường, ngày 31-3-2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU với mục tiêu đến hết năm 2017, 100% nhà máy, cơ sở chế biến mủ cao su, tinh bột mì có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo ở cột A theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Sau đó, tỉnh gia hạn thời gian hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A đến hết năm 2018. Tuy nhiên, để cải tạo hệ thống xử lý nước thải trong chế biến mủ cao su, tinh bột mì đạt cột A cần kinh phí rất lớn nên đa phần doanh nghiệp, công ty gặp khó.

Nhà máy chế biến Trung Tâm (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) nuôi cá trong hồ chứa nước thải sau khi áp dụng “Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất”

Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng có khoảng 20 ngàn ha cao su với 2 nhà máy chế biến mủ. Nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất chế biến mủ cao su tại 2 nhà máy này là vấn đề nan giải cần được giải quyết. Trước thực trạng đó, nhóm tác giả: Lê Thanh Tú, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Quốc Toàn (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) đã tiên phong nghiên cứu sáng kiến “Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất” và áp dụng tại Nhà máy chế biến Trung Tâm (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng). Sáng kiến đã giúp nhà máy xử lý nước thải đạt cột A (QCVN 01-MT: 2015/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên và tái sử dụng nước trong sản xuất). Sáng kiến đoạt giải ba về lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường tại hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc” lần thứ 14, năm 2016-2017.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng cho biết: Đối với chất thải rắn, công ty luôn có kế hoạch thu gom xử lý. Riêng nước thải, công ty phải sử dụng công nghệ hóa chất. Vì vậy, trong quá trình xử lý nhiều khi không kiểm soát được sự ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và môi trường xung quanh. Đặc biệt, rất khó xử lý khi có sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Vì vậy, giải pháp công nghệ xử lý nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất mà công ty đang áp dụng mang lại lợi ích rất lớn.

Tại Nhà máy chế biến Trung Tâm, không khí rất trong lành và nước thải trong sản xuất, chế biến mủ được tái sử dụng. Chúng tôi đi tìm hiểu quy trình xử lý nước thải và tái sử dụng nguồn nước, đến các hồ chứa nước hoàn thiện, đang nuôi hàng trăm con cá chép đủ loại, đủ màu như một minh chứng cho sự thành công về xử lý nước thải trong quá trình chế biến. Ông Nguyễn Duy Chinh, Giám đốc nhà máy cho biết: Cá chép rất khó nuôi nhưng tại các hồ chứa nước hoàn thiện đang phát triển tốt. Điều này cho thấy, nước sau khi xử lý bằng phương pháp sinh học rất an toàn. Qua đó, giúp nhà máy tiết kiệm khoản chi phí lớn, giảm lượng nước thải ra môi trường. Trước đây, vào mùa khô, nước ở các hồ, đập xung quanh nhà máy không đủ cung cấp cho hoạt động chế biến, phải mua nước của người dân để phục vụ sản xuất. Từ khi áp dụng biện pháp xử lý nước thải theo hướng sinh học giúp nhà máy tái sử dụng khoảng 60% lượng nước thải nên không còn xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô.

tính ứng dụng cao

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều sáng tạo, cải tiến tính ứng dụng cao được cơ quan chức năng hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao năng suất lao động. Tiêu biểu như sáng chế “Nâng cấp máy suốt tiêu chạy bằng dầu diezen sang môtơ điện” của ông Phạm Thanh Phong ở ấp Hiệp Tâm, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh. Sáng chế của ông Phong được Sở Công Thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu năm 2012. Máy suốt tiêu của ông Phong giúp nhà vườn tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, góp phần xây dựng quy trình sản xuất tiêu sạch, đẹp. Máy suốt tiêu do ông Phong cải tiến được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ quảng bá và thương mại hóa nên sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Hay tại thành phố Đồng Xoài, nông dân Nguyễn Văn Lĩnh đã sáng chế máy phun “5 trong 1” với nhiều chức năng hữu ích, góp phần giảm sức lao động. Ông Lĩnh cho biết: Máy phun “5 trong 1” (phun thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân) không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hơn so với các loại máy khác. 1 giờ máy có thể phun được 3 ha điều hoặc cao su.

Tại Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, 3 chàng trai thế hệ 8X và 9X Hoàng Văn Cảnh, Nguyễn Duy Long và Phan Thành Đông đã nghiên cứu xử lý chất thải từ quá trình chế biến mủ cao su thành phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường; giúp nhà máy chế biến mủ tiết kiệm chi phí khá lớn trong xử lý chất thải và cải thiện môi trường xung quanh. Sản phẩm phân bón hữu cơ được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm với kết quả tốt, không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm được Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh thu mua bón vườn cây tái canh, cho thấy 100% vườn cây đạt 5 tầng lá trở lên, tỷ lệ sống đạt trên 98% theo yêu cầu của quy trình kỹ thuật; tốc độ sinh trưởng và phát triển của vườn cây thí nghiệm tương đồng với vườn cây đối chứng; không có hiện tượng gây bệnh hay ngộ độc cây...

Bên cạnh đó, ông Đoàn Quyết Tiến ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long đã chế tạo thành công lò đốt rác thải thân thiện với môi trường và được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn. Chiếc lò do ông Tiến sáng chế có thể đốt tất cả loại rác có độ ẩm cao mà không cần phân loại rác tại nguồn. Điều đặc biệt, chiếc lò này có thể tạo ra nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt người dân, rất hữu tích trong cuộc sống.

Thùy Hương

  • Từ khóa
94648

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu