Thứ 5, 25/04/2024 03:41:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 31/10/2019 GMT+7

Để nông dân giàu trên đất nông nghiệp

Thứ 5, 31/10/2019 | 09:30:00 349 lượt xem

BP - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cùng Oxfam Việt Nam vừa tổ chức thành công diễn đàn nông nghiệp 2019, với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Các phát biểu, tham luận... tại diễn đàn cho thấy, chính sách đất đai ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế nên chưa có khả năng sản xuất lớn, hiện đại để làm tăng giá trị và cải thiện đời sống người dân.

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 28 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 82% tổng diện tích đất tự nhiên. Theo đánh giá, đất nông nghiệp ở nước ta nhìn chung có quy mô nhỏ, phân tán và manh mún trên toàn địa bàn cả nước. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bình quân từng hộ rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5 ha/hộ, nhưng phân chia thành 2 hoặc 3 mảnh. Nguyên do chính sách đất đai ở nước ta trước đây dựa trên nguyên tắc công bằng, chia đều về số khẩu ứng với diện tích đất... Chính vì vậy, người dân khi được chia đất đều có thửa tốt, thửa xấu, có gần, có xa, có phần đất cao nhưng cũng có nơi thấp... dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư của từng hộ trong quá trình sản xuất dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả kinh tế không cao.

Bình Phước hiện có 445.783 ha đất nông nghiệp, chiếm 66,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, trong đó diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái ngày càng mở rộng với gần 415.000 ha. Đây là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta những năm qua luôn gặp nhiều bất lợi, do thời tiết diễn biến phức tạp; dịch bệnh bùng phát; giá nông sản liên tục giảm... làm cho đời sống, sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo nhu cầu thị trường... đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững ở tỉnh thời gian qua. Ví như cây điều là một thế mạnh đặc thù của Bình Phước và tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao... Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 77.600 hộ trồng, với khoảng 150.000 ha điều theo hình thức phân tán nhỏ lẻ nên rất khó để đầu tư sản xuất lớn, hiện đại. Việc canh tác không tập trung sẽ có nhiều nhược điểm như năng suất không đồng đều, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác hay xử lý dịch bệnh gặp khó khăn...

Để khắc phục những tồn tại nói trên, nước ta cần đẩy nhanh việc thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai tạo động lực cho phát triển nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là phương thức nhằm tập trung đất phân tán của các hộ gia đình, cá nhân trong cùng một địa bàn thành các mảnh ruộng, thửa đất lớn tập trung tại một vị trí để sản xuất. Ngoài ra, việc dồn điền đổi thửa, tích tụ đất hay xóa bỏ hạn điền... còn là tiền đề quan trọng trong áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa... nhằm đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp của nước ta giai đoạn hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109221

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu