Thứ 6, 29/03/2024 16:23:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:20, 22/11/2019 GMT+7

Để lá nhíp từ rừng xuống phố

Thứ 6, 22/11/2019 | 13:20:00 3,404 lượt xem
BP - “Lá nhíp được xem là sản phẩm “bám” bữa cơm hằng ngày của đồng bào S’tiêng. Do vậy, sợ lá nhíp ngày một hiếm nên nhiều người đã lặn lội vào rừng lấy cây về trồng xen trong rẫy điều, cà phê của gia đình, vừa đảm bảo thức ăn vừa có thêm thu nhập” - già làng Điểu Tang, thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cho biết.

Ngày nay, xu hướng chung của người tiêu dùng là thực phẩm tươi, sạch, nguồn gốc rõ ràng. Trong đó, lá nhíp được nhiều người lựa chọn và đang có mặt khắp các quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Hiện nay, 1kg lá nhíp giá dao động từ 45-80 ngàn đồng tùy theo thời điểm. Nguồn thu này giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trang trải cuộc sống.

Tăng thu nhập

Gia đình anh Điểu Mon ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) có 5 ha rẫy trồng điều. Những năm qua, điều mất mùa, mất giá nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, cây lá nhíp ngày càng khan hiếm nên anh đã đào loại cây này về trồng thử trong rẫy điều và nhân rộng dần. Đến nay, vườn lá nhíp hơn 2 sào đã phát triển tươi tốt. Anh Điểu Mon cho biết: “Trước đây, tôi trồng cây lá nhíp chủ yếu để gia đình sử dụng vì đây là món ăn truyền thống của đồng bào S’tiêng. Hiện lá nhíp được nhiều người ưa thích, mùa mưa chỉ bán 45-50 ngàn đồng/kg, nhưng mùa khô có lúc lên tới gần 100 ngàn đồng/kg. Từ 2 sào lá nhíp, mỗi năm giúp gia đình tôi thu nhập thêm hơn 20 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Minh Sáu, Bí thư Đoàn xã Minh Hưng (Bù Đăng) thăm vườn trồng xen cây lá nhíp dưới tán điều của già làng Điểu Tang

Già làng Điểu Tang ở thôn 5, xã Minh Hưng có 6 ha trồng điều xen cà phê. Năm 2014, già Điểu Tang đưa cây lá nhíp từ

rừng về trồng xen trong vườn rẫy. Hiện gia đình ông đã có hơn 3 sào lá nhíp trồng xen trong vườn điều, cà phê. Ông Điểu Tang cho biết: “Cây lá nhíp sinh trưởng và phát triển mạnh, chỉ cần tưới đủ nước vào mùa khô là cho thu hoạch quanh năm. Đặc điểm của cây lá nhíp là càng hái, cây càng ra nhiều lá non. Hiện nay, hơn 3 sào lá nhíp, một tuần gia đình tôi thu khoảng 15kg. Với giá bán 40 ngàn/kg, 1 tháng thu nhập gần 2,5 triệu đồng”.

Và những trăn trở

Vài năm gần đây, cao su, tiêu, điều, cà phê... thường mất mùa, rớt giá, sâu bệnh phá hoại, vì vậy thu nhập từ lá nhíp đã giúp một số hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trang trải cuộc sống hằng ngày. Vậy tại sao chúng ta không mở rộng diện tích trồng cây lá nhíp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân? Đó cũng là trăn trở của các thành viên tổ hợp tác trồng lá nhíp tại xã Minh Hưng.

Anh Nguyễn Minh Sáu, Bí thư Đoàn xã Minh Hưng cho biết: Tổ hợp tác trồng cây lá nhíp của thanh niên trong xã thành lập từ năm 2014 với 23 thành viên, đa phần là thanh niên dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sau 5 năm thành lập, tổ hợp tác cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không mở rộng được diện tích (giữ nguyên 8 ha như ngày đầu thành lập), thị trường tiêu thụ cũng chỉ bó hẹp trong địa bàn huyện Bù Đăng.

Già làng Điểu Tang cho rằng, việc nhân giống cây lá nhíp khá đơn giản, có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cây con mọc ra từ rễ cây mẹ. Đặc điểm của cây lá nhíp là phải trồng dưới tán cây để hạn chế nắng chiếu trực tiếp khiến lá bị vàng, cứng, không sử dụng được. Do đó, loại cây này rất phù hợp trồng xen trong vườn điều, cà phê, vừa có bóng râm vừa tận dụng được nguồn nước tưới, phân bón cũng như quỹ đất trống. Anh Nguyễn Minh Sáu cho hay, những năm qua, vườn điều bị sâu bệnh phải phun thuốc liên tục phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và đầu ra của sản phẩm lá nhíp. Quỹ đất tuy khá dồi dào nhưng việc mở rộng diện tích cây lá nhíp gặp khó khăn vì thiếu nguồn nước tưới vào mùa khô. Trước đây, đã có một số đơn vị liên hệ đặt hàng sản phẩm của tổ hợp tác với số lượng lớn. Tuy nhiên, vào mùa khô cây không đủ nguồn nước tưới nên bị chết, hoặc cây sống thì còi cọc, không ra lá nên không đáp ứng sản lượng, vì thế mất cơ hội hợp tác.

“Thời gian tới, chúng tôi có phương án nâng cấp tổ hợp tác lên thành hợp tác xã để tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng diện tích, hướng đến sản phẩm an toàn. Song song đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trình UBND huyện để được trồng cây lá nhíp ngay tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh để vừa bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc kết hợp phát triển du lịch. Khi mình tạo được vùng nguyên liệu đảm bảo, xây dựng được thương hiệu thì sản phẩm rau nhíp rừng có mặt trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ là điều hoàn toàn có thể” - anh Sáu chia sẻ. 

Xuân Túc

  • Từ khóa
94651

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu