Thứ 5, 25/04/2024 04:21:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:27, 27/05/2020 GMT+7

Dấu ấn “đất lửa”

Phương Dung
Thứ 4, 27/05/2020 | 06:27:00 444 lượt xem
BPO - Chiến thắng Phước Long (6-1-1975) là đòn trinh sát chiến lược tiến tới cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành toàn thắng. Đêm 12, rạng 13-12-1974, Chiến dịch đường 14 - Phước Long mở màn bằng trận tấn công vào một loạt chi khu, yếu khu địch trên đường 14. Đến 19 giờ ngày 6-1-1975, quân ta làm chủ hoàn toàn Phước Long, kết thúc chiến dịch trong thắng lợi rực rỡ. Chiến thắng Phước Long là đòn nắn gân chiến lược để biết rõ địch, ta và là căn cứ quan trọng để Đảng ta quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, thị xã Phước Long đã đầu tư xây dựng Nhà truyền thống và nâng cấp thành Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long vào năm 2014. Đây không chỉ là công trình văn hóa trọng điểm mà còn hiếm có với nhiều hiện vật giá trị ở một địa phương cấp huyện.

Công trình văn hóa đặc sắc

Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long trước đây là Nhà truyền thống. Năm 2014 với quyết tâm nâng cấp lên bảo tàng, thị xã Phước Long đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng để sưu tầm những hiện vật khối lớn ngoài trời như xe tăng, máy bay... và nâng cấp toàn bộ phần trưng bày ở tầng trệt, tầng lầu. Sau khi nâng cấp, bảo tàng có tổng diện tích khuôn viên 4.281m2, diện tích trưng bày ngoài trời 2.000m2. Hiện nay, tầng trệt bảo tàng trưng bày hình ảnh và hiện vật liên quan đến Chiến dịch đường 14 - Phước Long, tầng lầu trưng bày về vùng đất, con người Phước Long. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thị xã được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Hằng năm, thị xã đều phân bổ kinh phí để tôn tạo trùng tu nhằm phục vụ tốt du khách đến tham quan. Dự định trong năm 2020, thị xã sẽ thực hiện phục dựng di tích Nhà tù Bà Rá tại Khu di tích Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định.

Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long là công trình văn hóa đặc sắc của thị xã Phước Long

Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long có 924 hiện vật và hình ảnh, trong đó 472 hình ảnh, 452 hiện vật. Hiện vật trưng bày ngoài trời là 19 và trưng bày trong nhà 305; hiện vật lưu kho là 128. Hình ảnh trưng bày 259, hình ảnh lưu kho là 213. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ khách tham quan trong và ngoài tỉnh, phần lớn là đoàn viên thanh niên, học sinh, các lớp về nguồn... Đây là điểm tham quan, học tập, về nguồn hấp dẫn, thu hút hơn 6.000 lượt khách mỗi năm.

Sống lại lịch sử

Công tác tại bảo tàng từ năm 1992 đến nay, anh Nguyễn Hùng Minh cho biết, sau khi được nâng cấp lên bảo tàng, đơn vị đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành về tham quan, trong đó có nhiều cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Nhờ đó, anh đã được gặp gỡ và nghe những câu chuyện lịch sử rất sống động mà không phải ai cũng có cơ hội được nghe từ những người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Phước Long. Những câu chuyện này để lại ấn tượng sâu sắc trong anh và là nguồn tư liệu quý báu góp phần hoàn thiện bài thuyết minh về bảo tàng thời gian qua. Anh Minh nói: Năm 2018 có một đoàn khách là cựu chiến binh ở phía Bắc đến tham quan tại bảo tàng. Khi nhìn lại hình ảnh Dinh tỉnh trưởng, xe tăng M48, máy bay F5E..., các chú đã kể nhiều câu chuyện rất hay về ngày giải phóng Phước Long. Các chú cho rằng, lời bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng có câu: “... vui sao nước mắt lại trào” phản ánh đúng cảm xúc của khoảnh khắc không thể nào quên lúc ấy. Chính những câu chuyện của các chú đã khiến tôi, thông qua những hiện vật và hình ảnh tại bảo tàng, ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của tự do, hòa bình và truyền cảm hứng đến với khách tham quan thuyết phục hơn.

Nhiều khách đến tham quan tại bảo tàng đều cho rằng, những hình ảnh, hiện vật tại đây đã giúp họ hiểu rõ hơn giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và càng thêm yêu quê hương, Tổ quốc. Trong sổ lưu niệm của bảo tàng, khách tham quan cũng đã ghi lại nhiều cảm nhận như thế. Ông Nguyễn Tuấn Đức, một du khách đã xúc động để lại những dòng chữ: “Tôi ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 212, Quân khu 10. Chúng tôi đánh vào Phước Long theo Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Đại đội chúng tôi đi hướng suối Dung vào hồ Long Thủy (nhiều đồng chí của chúng tôi đã anh dũng hy sinh và nằm lại mảnh đất này). Hôm nay, thăm lại chiến trường xưa, tôi vô cùng bồi hồi cảm xúc và nhớ đồng đội nhiều lắm. Bảo tàng đã tái hiện lại hình ảnh của những tháng năm chiến đấu. Bình Phước nay đã thay da đổi thịt, nhà cửa, đường phố và nhiều công trình ý nghĩa mọc lên. Chúc Phước Long mãi xứng đáng với truyền thống của 1 tỉnh giải phóng đầu tiên của miền Nam, mãi mãi tiếp lửa cho thế hệ mai sau”.

  • Từ khóa
33822

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu