Thứ 5, 28/03/2024 15:43:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:30, 29/08/2019 GMT+7

Danh vọng lừng lẫy

Thứ 5, 29/08/2019 | 16:30:00 488 lượt xem

BP - Cuộc chiến Nam - Bắc triều khiến cuộc sống người dân rất cơ cực, Trịnh Tùng cũng lo việc binh đao có thể ảnh hưởng tới mùa màng và đời sống nhân dân. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép: Tháng 5-1577, Tiết chế Trịnh Tùng hạ lệnh cho quan lại các xứ Thanh Hóa và Nghệ An đôn đốc dân các xã, huyện, hạn từ trước tháng 6 phải kịp thời cày cấy, không được để chậm, phòng khi quân đi qua ảnh hưởng tới nghề nông.

Khi quân Mạc chuẩn bị tấn công vùng Thanh - Nghệ, Trịnh Tùng đã hạ lệnh cho dân cư các huyện dọc sông xứ Thanh Hóa, thu xếp của cải, gia súc, đưa vợ con vào lánh ở nơi hiểm yếu dưới chân núi đề phòng quân giặc đến. Rồi lại hạ lệnh cho các cửa biển và điểm tuần ở các nơi dọc đường đều đặt pháo hiệu. Nếu thấy quân giặc tới thì lập tức bắn một tiếng pháo hiệu làm tin, để cho cư dân nghe lệnh, sẵn sàng lánh đi chỗ khác, không để quân giặc giết hại. Lại hạ lệnh cho vùng chân núi các huyện nếu thấy dân xã ven sông đưa gia súc chạy đến xã mình thì phải nghiêm ngặt tuần phòng, nếu có trộm cướp phải đem người đến cứu. Nếu không đến cứu, để mất tiền của, súc vật của cư dân thì người dân xã ấy phải chia nhau mà đền.

Mỗi lần hành quân Trịnh Tùng đều ra kỷ luật rất nghiêm đối với quân sĩ “không được xâm phạm của cải người dân”.Trước khi tiến binh vào thành Thăng Long, lo quân sĩ không giữ được kỷ luật mà hà hiếp, cướp bóc dân kinh thành, Trịnh Tùng đã hội quân ra cáo dụ rằng: Ta vâng mệnh đi đánh kẻ trái phép, vốn để yên dân. Các tướng nên răn cấm tướng sĩ, nghiêm ngặt nhắc lại ước thúc, chấn chỉnh đội ngũ, hiệu lệnh rõ ràng tín thực. Quân đi đến đâu, không được mảy may xâm phạm của dân, không được cướp bóc của dân lành, của cải không phải của giặc thì không được lấy.

Sách “Việt sử thông giám cương mục” ghi rõ như sau: Khi đại quân kéo đến bờ tây sông Ninh Giang, Trịnh Tùng ra 3 điều buộc quân lính phải tuân giữ: Không được tự tiện vào nhà dân mà hái rau, kiếm củi. Không được cướp của cải, đồ vật và đẵn cây cối. Không được hiếp phụ nữ và giết người vì thù riêng. Kẻ nào vi phạm những điều cấm trên đây sẽ bị trị theo quân luật. Ba quân nghe theo lệnh nghiêm chỉnh trẩy đi. Quân trẩy đến đây, nhân dân vẫn an cư ở đó. Họ tranh nhau đem rượu và trâu bò đến đón quan quân.

Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, quân Mạc bị thua phải chạy tới tận vùng Cao Bằng. Trịnh Tùng trong cuộc chiến luôn đồng lòng cùng ba quân xông trận, nhiều lần mở trói thả hết tù binh của đối phương, cung cấp thức ăn cho họ đi đường về quê sinh sống khiến cả gia đình họ đều cảm động, vì thế người dân Bắc Hà nhiều người ủng hộ và giúp đỡ nhà Lê - Trịnh.

Các tướng sĩ thì đều nghĩ rằng, Trịnh Tùng đối với quân địch còn như thế, thì đối với quân mình đương nhiên sẽ rất tốt, vì thế mà hết lòng đi theo ông. Trịnh Tùng là người có công đầu trong việc trung hưng nhà Lê, ông được xem là nhà quân sự kiệt xuất. Trong 23 năm cầm quân, ông tham gia 33 trận đánh lớn và luôn giành thắng lợi.

Năm 1597, vua nhà Minh sai sứ là Trần Đôn Đức cùng Vương Doãn Lập đem ngựa tốt, đai bằng ngọc, mũ sung thiên và 2 bức sắc văn có viết 8 chữ: Quang hưng tiền liệt, định quốc nguyên huân. Nghĩa là: Làm rực rỡ công đức tổ tiên và có công đầu định được nước, tặng cho Trịnh Tùng. Đồng thời, đích thân vua Minh Thần Tông có lời khen Trịnh Tùng rằng: Nước An Nam, tướng họ Trịnh hay hậu được nghĩa nhân, giúp được nhà Lê tiểu trừ giặc Mạc, thực là bậc anh hùng trong đời.

Sử gia Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đánh giá về Trịnh Tùng như sau: Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng. Ông thực sự làm chúa cầm quyền bính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy.

Lời bàn:

Nói về vai trò của Trịnh Tùng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá như sau: Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục ngôi báu cho nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi. Không phải lúc công thành danh toại, huân nghiệp vẻ vang, mà ngay lúc khốn đốn gian nan, trong đời sống trần tục lẫn tâm linh, Trịnh Tùng luôn đề cao nêu rõ mục đích phù Lê của mình.

Thế nhưng những điều đó Trịnh Tùng chỉ giữ được khi chưa đạt đến tột đỉnh của quyền lực. Còn khi chỉ dưới một người thì ông không còn là Trịnh Tùng nữa. Cũng trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn đánh giá về Trịnh Tùng khi đã ở tột đỉnh vinh quang, rằng: Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần. Vì thế, khi Trịnh Xuân là con của Trịnh Tùng đã mưu phản chính cha của mình, đã được sách này bình luận rằng: Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế. Việc này đúng hay sai, xin hậu thế minh xét.

N.D

  • Từ khóa
110225

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu