Thứ 5, 25/04/2024 23:45:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:35, 31/01/2020 GMT+7

Đánh thức tiềm năng văn hóa du lịch ở Bình Phước

Phương Dung
Thứ 6, 31/01/2020 | 15:35:00 1,248 lượt xem
BPO - Thành danh trên đất Sài Gòn nhưng ít ai biết đạo diễn, nhà sản xuất Văn Công Viễn (SN 1983) sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Năm 2017 với vai trò tổng đạo diễn, anh Viễn tham gia thực hiện các chương trình: Biên giới khúc tình ca, Ấm áp tình xuân, Khát vọng mùa xuân... trên địa bàn tỉnh. Và từ đó, tình yêu quê hương luôn khiến anh trăn trở phải làm thế nào để đánh thức tiềm năng phát triển văn hóa du lịch ở Bình Phước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Làm nghề một cách nghiêm túc

Không chỉ nổi tiếng với dòng phim sitcom (hài tình huống), được mệnh danh là phù thủy sitcom, điện ảnh - truyền hình mà hiện nay đạo diễn Văn Công Viễn còn thành công với phim chiếu mạng, đình đám nhất gần đây là bộ phim Bệnh viện Thần Ái. Bộ phim này đang được đề cử 4 hạng mục, đó là phim chiếu mạng xuất sắc, nam chính xuất sắc, nữ chính xuất sắc và nam phụ xuất sắc. Bộ phim dài 16 tập, mỗi tập được đầu tư khoảng 300 triệu đồng, gấp đôi kinh phí phim truyền hình. Mặc dù đây là lĩnh vực mới nhưng nam đạo diễn cho rằng với mức đầu tư này anh xác định làm nghề một cách nghiêm túc, không phải dạo chơi và sẽ là bước tiến để đưa phim Việt ra thế giới.

Đạo diễn Văn Công Viễn làm việc tại phim trường bộ phim Đường về có nhau

Năm 2018, anh Viễn cùng vợ là đạo diễn Lê Thị Kiều Nhi thành lập Công ty cổ phần Phim Ý Anh và xây dựng hệ thống phim trường CineV Films Studio (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Đây là phim trường hoạt động khép kín gần như đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Phim trường CineV Films Studio có diện tích hơn 1.000m2, 2 tầng, bao gồm khu văn phòng, một phim trường nội được setup sẵn, một phim trường rộng lớn dành cho khu quay kỹ xảo điện ảnh, khu nghỉ dành riêng cho diễn viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, phim trường CineV Films Studio đã chứng minh cho giới làm nghề thấy sự chuyên nghiệp hóa và đầu tư bài bản của YANH FILM.

Để lan tỏa tinh thần và góp phần chuyên nghiệp hóa nghề làm phim, đạo diễn Văn Công Viễn còn muốn truyền nghề nghiêm túc, nhất là cho con, em ở Bình Phước. Những lần về thăm nhà hay đi công tác, anh Viễn đều để ý đến lớp trẻ ở Bình Phước chưa có nghề nghiệp ổn định, có sở thích về phim ảnh để động viên theo học nghề. Anh Lê Văn Ngọc (SN 2001, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh) cho biết: “Tôi học xong THPT và làm công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau đó được anh Viễn nhận vào làm tại công ty và cử đi học 3 tháng, hiện làm ở bộ phận kỹ thuật ánh sáng. Tôi thấy bản thân phù hợp công việc nên thời gian tới sẽ cố gắng vừa làm vừa học thêm kỹ thuật camera”.

Hay chị Phạm Thị Minh Hiền (SN 1998, ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) sau khi tốt nghiệp khoa Truyền thông đa phương tiện cũng được anh Viễn nhận vào làm ở bộ phận sản xuất. Chị Hiền cho rằng, bản thân mới chập chững vào nghề nhưng may mắn được “đầu quân” cho công ty chuyên nghiệp, bài bản và môi trường khá tốt. Vì vậy, bản thân nhanh chóng áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Anh Viễn chia sẻ: “Ở Việt Nam chỉ có đào tạo đạo diễn, quay phim, diễn viên... chứ không có các ngành liên quan, nhất là kỹ thuật. Trong khi đó, làm phim ở thời đại công nghệ số hiện nay, ngoài nội dung hay cần rất nhiều yếu tố khác hỗ trợ. Vì vậy sắp tới, công ty sẽ liên kết với Đại học Toronto (Canada - PV) để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nghề làm phim”.

“Sản phẩm du lịch của Bình Phước là văn hóa”

Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, đạo diễn Văn Công Viễn luôn nhắc đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh), phim trường trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai) cùng thuộc huyện Bù Đăng và những địa danh ở Bình Phước. Anh cho rằng đây là những tiềm năng rất lớn, nếu khai thác tốt sẽ là kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai. Anh chia sẻ: Để Bình Phước thu hút được nhà đầu tư lớn cần những sản phẩm văn hóa chứ không chỉ là điều, tiêu, cao su... Hiện tôi và một số cộng sự đang thực hiện Dự án Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Đây là dự án lớn nhằm quy hoạch thành phố thông minh, trong đó tôi sẽ là đạo diễn phụ trách mảng văn hóa - nghệ thuật cho toàn khu, nhất là xây dựng các sản phẩm văn hóa giải trí tổng hợp để thu hút nhà đầu tư và du khách. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Khi bắt tay đầu làm dự án, tôi luôn liên tưởng và hình dung đến sóc Bom Bo và những quần thể văn hóa liên quan tại Bình Phước.

Anh Viễn ước ao sẽ biến “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” thành một chương trình mang dáng dấp sử thi. Bởi đây là một đề tài văn hóa có sức hút mạnh mẽ mà nếu được khai thác tốt, giữ gìn và phát huy giá trị sẽ bền vững. Anh Viễn cho biết, thông qua sân khấu thực cảnh sẽ tái hiện văn hóa, lịch sử của một dân tộc, một vùng đất và đó là phương tiện biến những sản phẩm văn hóa đặc sắc thành món ăn tinh thần bổ ích thu hút du khách. Ngoài ra, cần tập trung khai thác mảng du lịch điện ảnh phim trường trên nền tảng thực tế hiện nay để hỗ trợ. Bằng chính tình yêu quê hương, anh sẽ là cầu nối để Bình Phước có thể thực hiện.

Thông qua việc chia sẻ dự án Cù Lao Giêng, anh Viễn say sưa nói về những trăn trở và khát khao của bản thân đối với quê hương Bình Phước. Anh trầm ngâm khi cho rằng, để quá trình “biến ước mơ thành hiện thực” của mình ở Bình Phước không chỉ là nguồn lực mà cần sự đồng bộ, cơ chế thoáng bởi đây là sản phẩm văn hóa - nghệ thuật vô hình. “Vì vậy, cần thiết phải có một “cú hích” chứ không dừng lại ở mức “vượt ngưỡng”. Tôi ước mong được quay về đóng góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương bằng chính khả năng của mình và sự đồng cảm của chính quyền các cấp” - anh Viễn nói.

Đồng quan điểm với đạo diễn Văn Công Viễn khi cho rằng “sản phẩm du lịch của Bình Phước là văn hóa”, ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho rằng: Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, đồng thời đang tiến hành các bước thực hiện “Dự án đầu tư xây dựng phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch”. Cùng với địa danh thác Đứng, nếu quần thể văn hóa này được đầu tư khai thác tốt sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.    

  • Từ khóa
90452

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu