Thứ 5, 25/04/2024 13:41:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:58, 26/05/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LỘC NINH LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Đảng bộ huyện Lộc Ninh: Một nhiệm kỳ nhiều bứt phá

Ngân Hà - Đông Kiểm 
Thứ 3, 26/05/2020 | 08:58:00 1,143 lượt xem
BPO - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện Lộc Ninh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch hợp lý giữa nông - lâm nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ phù hợp đặc thù kinh tế và phát huy được lợi thế của huyện. Đặc biệt, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến cả về cơ sở hạ tầng và tư duy sản xuất của nông dân, tạo đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giữ vững tình hình an ninh biên giới; quan hệ hữu nghị với các huyện biên giới thuộc Vương quốc Campuchia được duy trì và phát triển.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện biên giới Lộc Ninh đã có nhiều đổi mới cả về cơ sở hạ tầng và tư duy sản xuất của nông dân. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm, UBND huyện ưu tiên lựa chọn những công trình cấp bách, thiết thực gắn với đầu tư có tính chiến lược lâu dài. Trong các công trình kết cấu hạ tầng, huyện quan tâm nhất là hệ thống giao thông. Trong nhiệm kỳ, huyện đã đầu tư xây dựng 54 công trình giao thông, hoàn thành 392,1km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù Nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Lộc Thái chia sẻ: 90% đường giao thông nông thôn ở xã Lộc Thái đã được bê tông hoặc nhựa hóa. Nhiều tuyến đường nông thôn được người dân trồng hoa, gắn hệ thống đèn chiếu sáng về đêm và camera an ninh không chỉ điểm tô cho đường làng thêm khang trang, sạch đẹp mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Thu nhập bình quân từ 18,5 triệu đồng/người/năm đầu nhiệm kỳ đến nay tăng lên 40 triệu đồng/người/năm. Xây dựng NTM là dấu ấn rõ nét làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn ở xã Lộc Thái. Hoàn thành bộ tiêu chí NTM không chỉ đánh dấu điểm nhấn trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của xã mà còn giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Cùng với phát triển kinh tế huyện Lộc Ninh đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn và giao thông kết nối vùng

Bên cạnh xây mới, huyện cũng tập trung nâng cấp, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng phục vụ nhu cầu dạy và học cùng với đề án sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện. 9 trường đạt chuẩn quốc gia là con số ấn tượng cho nỗ lực quyết tâm vượt khó, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện thời gian qua. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Trong nhiệm kỳ, huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn cho các công trình, dự án quan trọng, ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: xây mới 30 công trình trường học, 49 công trình trụ sở, nhà văn hóa, 14 công trình đường điện với kinh phí trên 800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho các hoạt động xây dựng, chỉnh trang thị trấn Lộc Ninh, hoàn thành 21 dự án giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh là 1.180 tỷ đồng đầu tư Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông...

Lộc Ninh có 13 dân tộc thiểu số cùng sinh sống (chiếm 20,88% số dân toàn huyện). Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của huyện Lộc Ninh quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Từ nguồn vốn Chương trình 135 đã đầu tư trên 38 tỷ đồng làm đường giao thông, hỗ trợ sản xuất. Cấp 208,8 ha đất sản xuất cho 282 hộ dân tộc thiểu số. Thực hiện 3 dự án định canh, định cư tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa cho 188 hộ. Trong nhiệm kỳ, huyện đã xây dựng và sửa chữa 447 căn nhà cho các hộ khó khăn với tổng trị giá 18,5 tỷ đồng, hằng năm tạo việc làm mới cho trên 4.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%.

Kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Khai thác lợi thế sẵn có, đất đai màu mỡ, nông dân cần cù trong lao động, huyện đã định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, liên kết sản xuất và làm quen với nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nông nghiệp sạch và bền vững, trong đó chú trọng phát triển cây gia vị, cây ăn trái. Lộc Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước đã xây dựng và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”. Các vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, bơ sáp, măng cụt đang từng bước hình thành. Toàn huyện hiện có 26 hợp tác xã nông nghiệp, 28 câu lạc bộ tiêu bền vững gồm 650 thành viên. Lộc Ninh ngày càng có nhiều nông hộ sản xuất, kinh doanh cho thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Tuyến đường liên xã Lộc Thái - Lộc Điền có chiều dài 2,5km, bề rộng mặt đường 7m, lề đường mỗi bên 1m… với tổng mức đầu tư 14 tỷ 855 triệu đồng. Đây là một trong 4 công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025

Anh Lê Thành Thái ở tổ 13, ấp 1, xã Lộc Hưng đang liên kết 10 hộ trồng dưa lưới trong nhà kính với tổng diện tích 3 ha. Anh Thái cho rằng, Lộc Ninh hội tụ những điều kiện thích hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, nắng, gió rất đặc trưng để phát triển loại cây này. “Cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà kính là trồng từ 3-4 vụ/năm. Cứ 1.000m2 đạt từ 2,5-3 tấn/vụ, lãi khoảng 60 triệu đồng/vụ. So với cây điều, hồ tiêu thì dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Dư địa thị trường dưa lưới đang còn rất nhiều tiềm năng, đầu ra ổn định. Chúng tôi liên kết với nhau cùng huớng đến mục tiêu đáp ứng lượng hàng lớn, liên tục và không bị thương lái ép giá” - anh Thái bộc bạch.

Bảo vệ vững chắc thế trận an ninh biên giới

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế có bước tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản ước đạt 7.607 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với đầu nhiệm kỳ, chiếm tỷ trọng 63% trong cơ cấu kinh tế. Toàn huyện có 7.276 cơ sở thương mại, dịch vụ, tổng giá trị tăng thêm của ngành là 1.350 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19%. Tổng thu ngân sách nhà nước cả nhiệm kỳ đạt 3.944 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu giao; chi ngân sách nhà nước 3.627 tỷ đồng. Hộ nghèo giảm từ 6,78% còn 1,68% vào cuối năm 2020.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh
Hoàng Nhật Tân

Với hơn 100km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, Lộc Ninh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ biên giới của Tổ quốc trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Theo đó, Huyện ủy Lộc Ninh xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các huyện giáp biên của Campuchia trên cơ sở giao ban định kỳ, thăm hỏi, động viên giúp bạn trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Song song đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động thương mại - dịch vụ, phát triển du lịch gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các tỉnh, huyện của Vương quốc Campuchia giáp ranh.

Đại hội Đảng bộ huyện là dịp để toàn thể đảng viên, các cơ sở đảng nhìn nhận, đánh giá và rút ra được những bài học quan trọng. Cùng với quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện biên giới Lộc Ninh sẽ hoàn thành ngoạn mục các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đặt ra, xứng đáng là huyện biên giới tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước.

  • Từ khóa
33813

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu