Thứ 5, 25/04/2024 14:46:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:23, 20/08/2020 GMT+7

Đắk Ơ làm tốt thu gom rác thải sinh hoạt

Thu Thảo
Thứ 5, 20/08/2020 | 09:23:00 1,251 lượt xem
BPO - Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí nhưng hơn 2 năm qua, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã đưa tổ thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương vào hoạt động, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.

Nhân viên tổ thu gom rác đang thu dọn rác thải sinh hoạt tại chợ Đắk Ơ

Thay đổi môi trường sống

“Ngày trước, ngay khu này người ta vứt rác khắp nơi. Chỗ này thành bãi rác mà giờ hết rồi” - bà Đặng Thị Mai ở thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ chỉ tay vào bãi đất trống trước nhà nay đã được dọn sạch sẽ, nói với chúng tôi. Trong câu chuyện, bà tỏ ra vui mừng vì từ ngày xã hợp đồng được với xe thu gom rác thải, gia đình bà không còn phải chịu cảnh “sống chung với rác”. Bà Mai nói: “Không có xe thu gom thì người dân đâu còn cách nào khác là chở rác đi vứt khắp nơi. Ở đây gần chợ nên người dân đem xác gà, vịt, heo để đầy ra đấy. Mình nói cũng đâu có được”. Đang dở câu chuyện thì chiếc xe công nông chuyên chở rác trờ tới, bà vội vàng đem 2 bịch rác đã được cột gọn gàng để sẵn trước cửa nhà bỏ lên xe.

Chị Lương Thị Diệu, tiểu thương ở chợ Đắk Ơ chia sẻ: “Từ lúc có xe đi thu gom thì môi trường ở khu vực này sạch đẹp hơn. Người dân ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi mà gom lại để thu gom”. Khu vực chợ Đắk Ơ từng là “điểm nóng” về rác ở trung tâm xã bởi có nhiều bãi tập kết rác quy mô lớn không có chỗ xử lý. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác. Rác không còn vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối cũng không còn. “Có xe thu gom rác, bà con mừng lắm. Vừa tiện cho mình vừa sạch sẽ nơi ở, chỗ buôn bán. Ngày trước, hôi quá nên nhiều người cũng ngại vô trong chợ” - anh Lê Đức Anh, tiểu thương chợ Đắk Ơ nói.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh hơn 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Trên địa bàn Bình Phước, trung bình 1 ngày mỗi huyện có thể thải ra từ 70-80 tấn rác, trong đó số lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường vẫn chưa được thống kê. 

Ở các vùng nông thôn, để triển khai hoạt động bảo vệ môi trường rất khó do nhiều yếu tố tác động như phương tiện thô sơ, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đồng bộ hay ý thức người dân chưa cao. Vì vậy, để có kinh phí duy trì tổ thu gom rác hoạt động, mỗi tháng, các hộ dân đóng 25 ngàn đồng tiền rác/hộ. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên phương tiện thu gom hiện chỉ có 1 xe chuyên chở rác sử dụng cho cả địa bàn xã. “Ngày nào mình cũng đi thu gom rác nhưng khoảng 2-3 ngày mới có thể thu gom 1 khu vực vì phải chia ra, nay đi tuyến đường này, mai đi tuyến khác” - anh Nguyễn Văn Tùng, nhân viên Tổ thu gom rác xã Đắk Ơ chia sẻ.

Vẫn cần giải pháp căn cơ

Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu theo tiêu chí môi trường của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018, UBND xã Đắk Ơ đã đề xuất với lãnh đạo Đảng ủy thực hiện công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường và giao hộ tư nhân tự thu gom rác, đồng thời tự thu tiền theo quy định của UBND tỉnh. Trong khi ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích nhà nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% do dân đóng góp thì ở những khu vực nông thôn, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp và chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác. Thế nên, không nhiều địa phương ở các vùng sâu trên địa bàn tỉnh có thể tổ chức được các tổ, hợp tác xã thu gom rác. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các xã ở vùng sâu chưa có nơi thu gom rác thải sinh hoạt. 

Phó chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Vũ Đức Duy cho biết: Xã phải rất cố gắng mới có thể xã hội hóa được công tác này. Tổ thu gom rác tự đảm nhiệm, tự thu tiền. Xã chỉ có chức năng quản lý. Mấy năm qua, tiêu chí môi trường đều không đạt nhưng năm nay cơ bản đạt theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, UBND xã Đắk Ơ sẽ có kiến nghị với UBND huyện Bù Gia Mập bố trí kinh phí để thành lập đội thu gom rác chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả và bài bản hơn. Hiện bãi rác của xã đã xây dựng đường bê tông xi măng đi vào tận nơi. Xã cũng dành ra quỹ đất khoảng 3 ha cho việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Bởi hiện tại hình thức xử lý rác chủ yếu vẫn là tập kết lại sau đó đốt thì chưa phải là biện pháp bảo vệ môi trường.

Ngoài tổ chức đội thu gom rác thải, hằng năm, UBND xã Đắk Ơ còn phát động ngày Môi trường thế giới, huy động các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia dọn vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị và những tuyến đường trung tâm trên địa bàn xã. “Nếu có người nào bị phát hiện vứt rác bừa bãi ra môi trường, xã sẽ tiến hành phạt hành chính với số tiền 5 triệu đồng” - ông Duy nói.                                

  • Từ khóa
47319

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu