Thứ 6, 19/04/2024 05:49:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:08, 15/03/2019 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Đại úy Lê Ngọc Chuông: “Niềm đam mê sáng chế luôn cháy trong tôi”

Thứ 6, 15/03/2019 | 10:08:00 3,183 lượt xem
BP - Nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng huấn huyện, trong những năm qua, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đẩy mạnh công tác thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật mô hình học cụ. Từ đó đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, đam mê sáng chế cải tiến kỹ thuật. Đại úy Lê Ngọc Chuông, Trợ lý dân quân, Ban CHQS huyện Lộc Ninh là một trong những điển hình tiêu biểu đó.

Sinh năm 1985, tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 2, sĩ quan trẻ Lê Ngọc Chuông được điều động về công tác tại Đại đội Bộ binh 10, Ban CHQS huyện Bù Đốp. Năm 2017, anh được điều động về công tác tại Ban CHQS huyện Lộc Ninh với nhiệm vụ là Trợ lý dân quân. Trong gần 2 năm công tác, được sự quan tâm chỉ đạo, động viên, giúp đỡ của ban lãnh đạo và đồng đội trong đơn vị, cùng với sức trẻ và niềm đam mê sáng tạo, Đại úy Lê Ngọc Chuông đã không ngừng học tập, tìm tòi sáng chế, cải tiến kỹ thuật nhiều mô hình học cụ, góp phần giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong công tác huấn luyện. Đại úy Lê Ngọc Chuông cho biết: “Thời niên thiếu, tôi đã rất đam mê sáng chế, cải tiến các dụng cụ phục vụ đời sống. Sau khi được học tập, làm việc trong môi trường quân đội, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật, niềm đam mê sáng chế lại càng được thắp sáng và luôn cháy trong tôi”.

Đại úy Lê Ngọc Chuông giới thiệu về bình chữa cháy do mình sáng chế

Nhận rõ hạn chế mỗi đợt thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại của đơn vị là cán bộ, chiến sĩ phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, công sức mang vác bàn ghế cồng kềnh, chi phí đầu tư bàn ghế lại cao, từ đó anh đã nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm “Bàn làm việc dã ngoại đa năng”. Bàn được làm từ 2 loại vật liệu chính là sắt và nhựa nên giá thành rất thấp, độ chắc chắn cao và gọn, nhẹ, có khả năng gấp gọn, dễ cơ động và chỉ cần một người xách mỗi khi di chuyển. Sáng kiến này của anh đoạt giải ba hội thi mô hình học cụ cấp tỉnh, được áp dụng rộng rãi trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh.

Tiếp tục phát huy những thành công đạt được, trong đợt ra quân huấn luyện năm 2019 được tổ chức tại Tiểu đoàn 208, sản phẩm “Bình chữa cháy” của Đại úy Lê Ngọc Chuông được lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đánh giá cao tại hội thi mô hình học cụ năm 2019.

Từ 1 bình chữa cháy đã cũ, van bơm hơi, nước, bọt xà bông, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, Đại úy Lê Ngọc Chuông đã sáng chế ra bình chữa cháy bằng hơi nước. Ưu điểm của thiết bị này là có thể phun bọt nước đi xa, nhờ áp suất hơi trong bình cao, giá thành sản xuất lại rất rẻ (chỉ khoảng 80 ngàn đồng/bình), có thể thay thế loại bình chữa cháy thật khi tham gia học tập, luyện tập phòng chống cháy nổ và rất an toàn cho người sử dụng.

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật các mô hình học cụ của Đại úy Lê Ngọc Chuông đã đem lại hiệu quả thiết thực về tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của cán bộ, chiến sĩ trong công tác huấn luyện, dã ngoại. Qua đó góp phần giúp lực lượng vũ trang huyện Lộc Ninh nâng cao chất lượng huấn luyện, từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Văn Hùng

  • Từ khóa
7935

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu