Thứ 6, 19/04/2024 19:44:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:21, 07/05/2020 GMT+7

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia: Nỗ lực bảo hộ công dân trong đại dịch

Thứ 5, 07/05/2020 | 07:21:00 439 lượt xem

BPO - Bình Phước có 260,433km đường biên giới tiếp giáp 3 tỉnh Mondulkiri, Kratie và Tbong Khmum của Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, công tác đối ngoại, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển luôn được lãnh đạo tỉnh Bình Phước coi trọng và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống cộng đồng người gốc Việt và Việt Nam tại Campuchia bị ảnh hưởng không nhỏ. Để hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống dịch và sự phối hợp hỗ trợ kiều bào ta tại nước bạn, phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh.

P.V: Xin đại sứ đánh giá khái quát tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại Campuchia?

Đại sứ VŨ QUANG MINH:  Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 4-5, Campuchia đã trải qua 22 ngày liên tục không phát hiện ca bệnh mới nào. Trong 122 ca bệnh chính thức được phát hiện, đến nay 120 ca bệnh đã được chữa khỏi, chỉ còn 2 ca bệnh đang được điều trị. Đặc biệt, tôi muốn chia sẻ tin vui là đến nay cả 3 du khách người Việt Nam không may bị mắc bệnh đều đã được chữa khỏi và xuất viện, đồng thời chưa phát hiện người gốc Việt nào trong cộng đồng bị nhiễm bệnh.

Ngày 20-4, tại cột mốc 69 biên giới Việt Nam - Campuchia, UBMTTQVN tỉnh phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Tỉnh đoàn bàn giao 11 mặt hàng hiện vật với tổng kinh phí hơn 260 triệu đồng hỗ trợ bà con Việt kiều tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: Cẩm Liên

Đây là thành tích nổi bật của Campuchia khi so sánh với các nước trên thế giới, nhất là với tình hình dịch bệnh tại các nước trong khu vực. Nếu xét điều kiện cụ thể của Campuchia, bao gồm năng lực của hệ thống y tế và nguồn lực dành cho phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, hạn chế, thành tích trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Campuchia là điều kỳ diệu.

Đứng trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhất là các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, cũng như lây nhiễm chéo trong cộng đồng, Chính phủ và người dân Campuchia đã rất bình tĩnh, làm tốt nhất tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để kiềm chế và kiểm soát bệnh dịch một cách hiệu quả. Với dịch bệnh Covid-19, chỉ có tại 13/25 tỉnh, thành phố của Campuchia cho thấy các cơ quan chức năng của Campuchia có đủ khả năng khống chế và không để dịch bệnh lan ra cả nước. Đáng chú ý, Campuchia đã tổ chức xét nghiệm với quy mô khá lớn, tỷ lệ trung bình khoảng hơn 600 xét nghiệm trên 1 triệu người dân, cao hơn một số nước trong khu vực (Indonesia 144, Philipines 511, Lào 181, Myanmar 76 - theo số liệu ngày 21-4-2020).

Một nỗ lực lớn của Campuchia là Chính phủ đã sớm có các chính sách an sinh xã hội với các gói trợ cấp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh, bao gồm trợ cấp cho công nhân thất nghiệp. Bên cạnh việc Chính phủ dành ra một khoản ngân sách lớn lên tới 3 tỷ đô la Mỹ để đối phó với dịch bệnh, Chính phủ cũng đã phát động phong trào kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, người dân và công chức quyên góp cho Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đã thu được nhiều triệu đô la.

P.V: Thưa đại sứ, tình hình này ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người gốc Việt?

Đại sứ VŨ QUANG MINH: Dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế gần đây đưa ra đều nhất trí cho rằng, Campuchia là nước chịu tác động mạnh và tiêu cực nhất trong số các nước ASEAN, với dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 giảm mạnh từ mức trên 7% xuống chỉ còn khoảng 2,3-2,5% (Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á). Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ thế giới thậm chí còn dự báo có thể sẽ tăng trưởng âm 1,7% nếu tình hình hiện nay không sớm được cải thiện.

Theo một số thống kê, 130 nhà máy dệt may đã xin tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới 100 ngàn công nhân trong ngành này. Ước tính 630 ngàn người làm trong ngành du lịch bị ảnh hưởng và có thể tới 30 ngàn người đã thất nghiệp.

Thực tế đó đã tác động rất tiêu cực đến cuộc sống của đa số người gốc Việt tại Campuchia trên 2 phương diện chính. Một là, khả năng lây nhiễm bệnh do nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao, vì đa số người gốc Việt đều nghèo, điều kiện sống và vệ sinh thấp, nhất là không có khả năng tiếp cận các vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh đầy đủ. Hai là, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn trở nên xấu hơn làm một bộ phận không nhỏ bà con bị mất việc làm, thiếu ăn, do đa số làm lao động giản đơn, không chuyên môn, chủ yếu đi làm thuê. Cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia là nhóm xã hội có mức độ tổn thương cao nhất, chịu tác động tiêu cực nhất của dịch bệnh hiện nay.

P.V: Thưa đại sứ, trong tình hình đó, Đại sứ quán đã hỗ trợ kiều bào như thế nào?

Đại sứ VŨ QUANG MINHChúng tôi lập Tổ công tác phòng, chống dịch, lấy Phòng công tác cộng đồng làm nòng cốt, nhiệm vụ chính là đầu mối nắm sát diễn biến tình hình, tổng hợp thông tin cập nhật và tham mưu cho lãnh đạo Đại sứ quán. Tiếp đến, lập và bảo đảm vận hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện tại Campuchia, bao gồm Đại sứ quán, 2 Tổng lãnh sự quán tại Battambang và Sihanoukville, với tổng hội, các chi nhánh Hội Khơme - Việt Nam trên cả nước và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia để thống nhất kế hoạch hành động.

Về biện pháp, chúng tôi triển khai đồng thời, quyết liệt các biện pháp nhằm thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách nêu trên trong khả năng và điều kiện có thể. Cụ thể, về vận động, tuyên truyền, tập trung làm thật tốt 4 nhiệm vụ, trong đó có việc tổ chức trực đường dây nóng về bảo hộ công dân 24/7 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong cộng đồng trước các tin đồn không có căn cứ về dịch bệnh, nhất là một số tin đồn về việc có sự xua đuổi, bài xích người Việt Nam...

Tại cột mốc biên giới số 76, Công an tỉnh Bình Phước trao tặng 4.500 khẩu trang y tế cho Ty công an tỉnh Tbong Khmum (Vương quốc Campuchia) - Ảnh: Văn Tuyên

Về vận động nguồn lực, trước hết, Đại sứ quán đã trực tiếp vận động nguồn lực tại chỗ thông qua Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và các nhà hảo tâm tại Campuchia, cùng các nguồn lực trong nước, trước hết là Quân khu 7, một số tỉnh, thành phố lớn, các tỉnh có chung biên giới, trong đó có tỉnh Bình Phước...

Đại sứ quán cũng phối hợp với Hội Khơme - Việt Nam tại Campuchia kêu gọi, phát động và hình thành phong trào tương thân tương ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ các cá nhân, nhà hảo tâm ở Việt Nam và ngay ở Campuchia nhằm hỗ trợ cộng đồng linh hoạt theo khả năng tại từng tỉnh, huyện, khu vực dân cư.

Nhân dịp này, thay mặt Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh và cộng đồng người gốc Việt và Việt Nam tại Campuchia, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn và trân trọng đối với sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của tỉnh Bình Phước, các cơ quan, tổ chức, địa phương trong nước đã dành cho cộng đồng người gốc Việt từ trước đến nay, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Về tổ chức phát hàng cứu trợ, chúng tôi chủ trương tiến hành đồng thời cả 2 kênh. Kênh chính thức được triển khai theo “Chương trình hỗ trợ khẩn cấp người gốc Việt và người Khơme hoàn cảnh khó khăn trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19” do Hội Khơme - Việt Nam tại Campuchia đề xuất, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia ủng hộ, nhằm huy động các nguồn lực có thể để hỗ trợ các gia đình hoàn cảnh khó khăn nhất qua rà soát thực tế, theo từng đợt tùy thuộc vào nguồn lực vận động được. Đợt 1 đã triển khai từ ngày 14 đến 18-4; đang triển khai đợt 2 từ ngày 30-4 và dự kiến cả hai đợt sẽ trao quà hỗ trợ (gạo, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và tiền mặt) cho khoảng 6.000 hộ tại tất cả 25 tỉnh, thành phố...

Về công tác bảo hộ công dân trong dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ cấp bách phát sinh và nhiều thách thức, cần làm theo nhiều cách linh hoạt do Campuchia là nước láng giềng, số lượng người Việt Nam sang du lịch, buôn bán, học tập và làm việc đông, nhất là người dân các tỉnh giáp biên. Nhìn lại cả quá trình và đánh giá sơ bộ, chúng tôi nhận thấy chương trình hỗ trợ xã hội nhân đạo lần này là thành công nhất từ trước đến nay, thể hiện ở phạm vi hỗ trợ rộng nhất, quy mô hỗ trợ lớn nhất và lực lượng tham gia đông đảo nhất.

P.V: Campuchia đã có những giải pháp gì mà Việt Nam có thể học tập, rút kinh nghiệm, thưa đại sứ?

Đại sứ VŨ QUANG MINHCá nhân tôi đặc biệt ấn tượng về quyết định chưa từng có tiền lệ, dũng cảm và trí tuệ của Chính phủ Campuchia khi quyết định tạm hoãn nghỉ tết truyền thống Khơme năm nay (từ ngày 13 đến 16-4). Đồng thời, Chính phủ Campuchia ban hành lệnh cấm đi lại giữa các địa phương với người dân trong thời gian này, bổ sung cho biện pháp bảo đảm giãn cách xã hội đã ban hành trước đó nhằm hạn chế tối đa sự di chuyển của người dân thường vốn rất cao trong dịp này.

Một điểm quan trọng nữa là Campuchia cũng đã nỗ lực huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội để đối phó dịch bệnh. Trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Campuchia đã quyết tâm hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đặc biệt là quyết định hỗ trợ 40 đô la/tháng cho mỗi công nhân phải tạm nghỉ việc; hào phóng xét nghiệm, cách ly và điều trị miễn phí cho du khách, công dân nước ngoài không may mắc bệnh.

P.V: Trân trọng cảm ơn đại sứ!

P.V (thực hiện)

  • Từ khóa
33526

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu