Thứ 7, 20/04/2024 06:47:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:59, 24/03/2016 GMT+7

SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Không thể chấp nhận!

Thứ 5, 24/03/2016 | 13:59:00 2,841 lượt xem

BP - Khi một vệt biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp đang cháy khô vì đại hạn; khi người dân đang cuống cuồng tự tìm mọi cách để vừa có thể sống vừa có thể cứu lấy những vườn tiêu, vườn cà phê, cây ăn trái đã chắt chiu bao năm mới có được bằng những thùng nước đắt đỏ, gấp hàng chục lần mức giá lúc bình thường, người ta mới ngơ ngác nhìn quanh và tự hỏi: Vì sao ngay bên cạnh là một công trình thủy lợi lớn (thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn) với mức đầu tư vài chục tỷ đồng, được xây dựng bằng nguồn vốn Trung ương và triển khai đã 8 năm nay mà con người lại phải chịu khát, cây cối, súc vật phải chịu chết khô?!

Lực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa căn nhà dựng trái phép ở thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.HLực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa căn nhà dựng trái phép ở thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H

Công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn được khởi công xây dựng năm 2009 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm lấy nước từ hồ thủy điện Cần Đơn cung cấp nước tưới cho 4.548 ha đất sản xuất nông nghiệp khu vực gần công trình; tiêu úng cho 26 ha thuộc Bàu Dài của thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và kết hợp phát triển giao thông. Quy mô dự án gồm 17,96km kênh chính, 32km kênh tưới cấp 1, 7,2km kênh tiêu cấp 1, 18km kênh tưới nội đồng và 4km kênh tiêu nội đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn xây dựng 11,462km kênh chính. Từ năm 2009, sau khi được giao vốn trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Sở đã chia dự án làm 4 gói thầu xây lắp. Gói thầu 1 và 2 (3,5km) đã xây dựng xong từ năm 2010. Hai gói thầu còn lại do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đến nay chưa hoàn thành.

Thật khó tin khi được biết suốt hơn 8 năm trời, đã qua 3 đời giám đốc dự án, một công trình được đầu tư nhiều chục tỷ đồng và rất thiết yếu đối với đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân Bù Đốp trong phạm vi hơn 4.500 ha lại bị “đắp chiếu” chỉ bởi vài ba hộ dân cố tình không chịu bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai. Cho dù với bất kỳ lý do gì, việc chỉ vài hộ dân cản trở mà để ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân khác đều không thể chấp nhận được!

Và vì thế, từ nhiều năm qua, mỗi kỳ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh về tiếp xúc ở khu vực này, cử tri lại thể hiện sự bức xúc của mình khi công trình cứ “án binh bất động” như thế. Đã nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải “vò đầu bứt tai” để trả lời những câu hỏi chất vấn trực tiếp của đại biểu về công trình thủy lợi này. Trước các đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh, người viết còn nhớ lời hứa như “đinh đóng cột” của ông giám đốc sở này rằng “công trình sẽ hoàn thành trong mùa khô năm 2015 theo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ”. Còn ông Hà Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp cho biết từ khi nhậm chức tại Bù Đốp, ông đã rất nhiều lần trực tiếp giải quyết vấn đề liên quan đến công trình. Chỉ trong tháng 2-2016 đã có 4 lần họp về nội dung này. Và mới ngày 17-3 vừa qua, Thường trực Huyện ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tân Thành để bàn phương án giải quyết đối với các hộ chưa chịu nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công. Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Bình Phước trước Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Huyện ủy Hà Anh Dũng cũng đã thẳng thắn thừa nhận, với cương vị của người đứng đầu cấp ủy địa phương, ông thấy còn nợ dân 3 vấn đề lớn, trong đó có công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn!

Từ những vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng mà cụ thể là chỉ còn 4 hộ dân không chấp nhận, dẫn đến công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn không thể hoàn thành, khiến hàng ngàn hộ dân Bù Đốp điêu đứng vì thiếu nước, nhìn về những công trình trước đó ở ngay trên địa bàn tỉnh, mới thấy một tiền lệ xấu rất cần phải khắc phục ngay. Đó là việc cấp ủy, chính quyền các cấp không mạnh tay giải quyết dứt điểm tình trạng một số ít hộ không chịu bàn giao mặt bằng để đòi quyền lợi, làm ảnh hưởng lớn đến công trình. Như năm 2013, công trình đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đoạn qua Bình Phước bị chậm trễ do một số hộ dân khu vực Đồng Phú và Chơn Thành không chịu bàn giao mặt bằng vì không chấp nhận đơn giá bồi thường. Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu chủ tịch UBND một số tỉnh, trong đó có Bình Phước tập trung chỉ đạo để bảo đảm tiến độ hoàn thành xây dựng các công trình đường dây 500kV cấp điện cho khu vực miền Nam thì sự việc mới được tập trung giải quyết dứt điểm. Tương tự, năm 2014, Dự án triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh cũng bị vướng 43 hộ dân khu vực thị trấn Đức Phong và vướng 22 ngôi mộ của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thọ Sơn (Bù Đăng) khiến công trình đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Bình Phước bị chậm tiến độ.

Một trong những điển hình của tình trạng “cả làng phải thua” là vào những năm mới tái lập tỉnh Bình Phước, xét thấy sự cần thiết phải xây dựng cầu Phước Cát để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các xã ven sông Đồng Nai, nhất là giải quyết tình trạng “ốc đảo” của xã Đăng Hà (Bù Đăng), Bộ Giao thông - vận tải đã đồng ý cho xây dựng cầu Phước Cát bắc qua sông Đồng Nai, đoạn qua xã Đăng Hà (Bình Phước) và xã Phước Cát (Lâm Đồng). Bộ yêu cầu mỗi tỉnh phải tự giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công xây dựng mố cầu. Thế nhưng mố cầu bên xã Phước Cát của huyện Cát Tiên đã xây dựng được ba năm mà bên này xã Đăng Hà vẫn không thể giải tỏa được 4 hộ dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, khiến người dân hai bên sông Đồng Nai phải chịu cảnh chèo đò qua sông thêm vài năm nữa. 

Áp dụng biện pháp cưỡng chế là cần thiết đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, không chấp hành đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Việc cưỡng chế không trái với nguyên tắc nhân đạo và dân chủ của nhà nước ta. Trái lại, nó được thực hiện vì lợi ích chung của nhân dân, trong đó bao gồm cả lợi ích cá nhân. Trong trường hợp cần thiết mà không cưỡng chế, cũng có nghĩa là buông nhẹ kỷ cương dẫn tới tình trạng vô kỷ luật, vô chính phủ, tạo nên sự bất ổn trong bộ máy nhà nước và xã hội.

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nhà nước của nhân dân, do dân, vì dân. Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước là để phục vụ lợi ích của nhân dân. Thuyết phục người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là biện pháp chủ yếu được sử dụng nhằm thực hiện những nhiệm vụ trong hoạt động quản lý nhà nước. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng trong quản lý nhà nước và xã hội chỉ cần biện pháp thuyết phục. Bởi trong xã hội luôn tồn tại các yếu tố đối nghịch theo kiểu “vua thua người liều”, chưa kể đến tội phạm, sự chống đối, phá hoại của các thế lực phản động nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn xã hội.

Linh Tâm

  • Từ khóa
15250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu