Thứ 6, 29/03/2024 20:17:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:00, 24/01/2020 GMT+7

Đắc Nô những ngày cuối năm

Hồng Ánh 
Thứ 6, 24/01/2020 | 08:00:00 640 lượt xem

BPO - Xuất phát lúc gần 2 giờ sáng từ thành phố Đồng Xoài, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ trên xe ôtô của đơn vị, tôi mới đến nơi. Lẫn trong màn sương mù đặc quánh, tiếng hô “rèn luyện thân thể, xây dựng quân đội; rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc” vang lên đánh thức muôn loài cây cỏ núi rừng. Cái lạnh của buổi sáng sớm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập khiến tôi cảm thấy tê buốt xương. Đó là những hoạt động đầu tiên để bắt đầu một ngày mới ở nơi rừng xa xôi, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, nhà ở tạm bợ của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Nô, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước vẫn đang bám trụ để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

“Em lại bếp ngồi sưởi cho ấm” - tiếng Trung tá Lê Xuân Hữu, Chính trị viên Đồn biên phòng Đắc Nô gọi tôi sau những cái bắt tay và nụ cười chào đón. Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày anh Hữu được cấp trên điều động về công tác tại Đồn biên phòng Đắc Nô, tôi mới gặp lại anh. Ngoài nét rắn rỏi thì làn da có phần xám và hơi tái xanh của anh khiến tôi có cảm giác xót xa cho các anh em đang làm nhiệm vụ nơi đây.

- Các anh ở đây thế nào? - nhấp ly nước vối nóng hổi, tôi hỏi.

Anh nở nụ cười tươi, tay vội đảo nồi cơm đang sôi trên bếp củi, trả lời tôi: “Mấy hôm đầu mới lên, đa phần anh em ở đây không ngủ được hoặc nếu ngủ là li bì không muốn dậy, bởi phần vì không khí đặc, phần vì gió lạnh, sương đêm”. Qua chia sẻ của anh, được biết đặc trưng của khí hậu nơi rừng sâu này khiến những người mới đến luôn có cảm giác mệt mỏi, đầu óc nặng nề. Để chống lại điều đó, sáng sớm và chiều tối dù lạnh hay bận rộn công việc đến đâu, các anh em ở đây cũng đều chịu khó chạy bộ rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. “Đáng mừng là đến thời điểm hiện tại quân số khỏe luôn đạt 100% do các anh em tích cực rèn luyện thể lực” - anh Hữu nói thêm.

2 đồn biên phòng Đắc Nô và Đắc Ka bàn giao ranh giới đoạn biên giới được giao quản lý, bảo vệ

Khi tôi cùng Trung tá Hữu và các anh em trong đơn vị bận rộn chuẩn bị bữa sáng thì tổ tuần tra đêm do Trung tá Nguyễn Thế Hùng, Đồn trưởng làm tổ trưởng về tới đơn vị. Trong bộ quân phục ướt sũng sương đêm, anh Hùng niềm nở: “Chào đồng chí em”, chào mừng em đến với Đồn biên phòng Đắc Nô!”. Một nồi quân dụng nước lá nghi ngút khói được anh Hữu cho anh em bê ra nhà tắm. “Cứ đi tuần là anh em ở nhà đều chuẩn bị sẵn nồi nước nấu các loại lá để pha vào tắm vừa tăng sức đề kháng vừa đỡ lạnh, nhỡ có ve hay vắt bám trên người thì sẽ tự động nhả ra, không gây di chứng về sau. Đặc sản ở đây là ve và vắt” - Trung tá Hữu giải thích khi tôi tò mò.

Đồn biên phòng Đắc Nô thành lập theo Quyết định số 5571/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ngày 26-11-2019, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố và đưa đơn vị chính thức vào hoạt động. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 12km, với 6 cột mốc quốc giới, từ cột mốc 60/17(2) đến 60/22(2). Đồn trưởng Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, đoạn biên giới đơn vị phụ trách quản lý, bảo vệ là một trong những đoạn có địa hình hiểm trở nhất, hệ thống cột mốc quốc giới cũng trong danh sách những mốc nằm xa đường tuần tra biên giới nhất. Để đến kiểm tra được cột mốc phải cắt rừng đi bộ mấy tiếng đồng hồ bằng con đường dốc lên xuống thẳng đứng. Quyết tâm của đơn vị là phải sớm nắm chắc, nắm rõ từng đoạn biên giới, từng cột mốc được giao phụ trách nên không kể ngày, đêm đơn vị đều tổ chức tuần tra.

Sau bữa cơm sáng đối với tôi là thịnh soạn bởi có 2 món mặn, rau và canh, các anh em bắt đầu tập trung lao động xây dựng đơn vị. Nơi đóng quân là “vùng rốn” của sốt xuất huyết nên ngoài rèn luyện sức khỏe thì bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ định lượng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Để có nguồn thực phẩm luôn tươi sống, đảm bảo chất lượng, hằng ngày đồng chí quản lý của đơn vị vẫn chạy xe máy từ đồn ra chợ cách đó hơn 45km trên con đường độc đạo - đường tuần tra biên giới để mua thực phẩm. “Trước mắt vì còn khó khăn về kinh phí nên Đồn trưởng, Chính trị viên đã tự trích một phần tiền lương của mình để mua sắm những vật dụng thiết yếu như bạt chắn gió, ống dẫn nước, cuốc, xẻng, giống rau, gia cầm, bột giặt, dầu gội... cho anh em sử dụng trong một vài tháng đầu” - chia sẻ của Trung tá Nguyễn Thế Hùng khiến tôi cảm động. Bởi được biết khi anh nhận quyết định lên đây công tác, vợ anh vẫn đang nằm viện một mình để chờ sinh con đầu lòng sau nhiều năm mong mỏi, vì nhiệm vụ anh không thể ở bên động viên, chăm sóc. 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Nô làm nhà ăn, nhà bếp bằng cây lồ ô

Đến thời điểm hiện tại, Đắc Nô là đơn vị đồn biên phòng duy nhất không có sóng điện thoại. Muốn gọi được điện thoại phải đi ra khoảng hơn 5km, vào giờ nghỉ đơn vị tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ được gọi điện về hỏi thăm gia đình. Không chỉ vậy, Đắc Nô còn là nơi không có nước sạch. Toàn bộ việc ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt đều dùng nước suối; thế nhưng cũng phải tiết kiệm vì mùa khô nguồn nước suối sẽ cạn kiệt. Các đơn vị đồn biên phòng tuyến Bù Gia Mập đều không có điện lưới quốc gia, thế nhưng còn có sự quan tâm, ủng hộ của các nhà hảo tâm, đơn vị kết nghĩa trao tặng giàn năng lượng mặt trời nên có thể làm văn bản bằng máy tính. Nhưng riêng với Đắc Nô thì hiện tại chỉ có điện phát bằng máy nổ song cũng chỉ ưu tiên cho bộ phận thông tin, cơ yếu làm việc. “Vì máy in, máy tính cũng chưa có kinh phí mua sắm nên tất cả văn bản đều được viết bằng tay” -  vừa nói Trung tá Hữu vừa đưa tập văn bản chép tay ra cho tôi xem.

Hơn 15 ngày sau khi đơn vị chính thức hoạt động, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã khắc phục khó khăn như mua bạt che chắn xung quanh nhà ở, mái nhà để tránh nước, gió lùa trên mái tôn. Sửa chữa giường để anh em có chỗ nằm, song một số cán bộ, chiến sĩ vẫn còn phải trải chiếu, trải nệm nằm giữa nền nhà sàn của đơn vị Trạm kiểm lâm số 8 bên cạnh để nghỉ. Đơn vị cũng đã làm được một nhà vệ sinh tự hoại, lắp đặt đường ống dẫn nước từ suối về sử dụng cho sinh hoạt và nấu nướng. Ngoài mua gần 40 con gà về gây đàn, đơn vị đã cải tạo vườn để trồng các loại rau phục vụ bữa ăn. “Đất ở đây vừa xấu lại rất cứng. Anh em phải dùng xà beng để đào đất và dùng búa đập nhỏ, sau đó trộn phân bò và vôi rồi mới gieo hạt giống rau” - binh nhất Bùi Văn Dương, chiến sĩ Đội vũ trang cho hay. Điều đặc biệt, cũng từ nguồn kinh phí do Đồn trưởng, Chính trị viên tự trích ra và công sức của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị đã làm được một nhà ăn, nhà bếp khá đẹp bằng cây lồ ô, nền tráng xi măng, mái che bạt. Đồn đang san đất để làm sân bóng chuyền phục vụ phong trào luyện tập thể dục thể thao trong đơn vị. “Vì công việc xây dựng đơn vị còn rất nhiều nên từ lúc nhận quyết định lên công tác, 100% cán bộ đơn vị quyết bám trụ, không xin phép cấp trên đi tranh thủ, không kể thứ bảy, chủ nhật, không phân biệt cán bộ chỉ huy hay chiến sĩ đều cùng đồng sức, đồng lòng để sớm ổn định nơi ăn nghỉ, chuẩn bị các hoạt động bảo vệ biên giới, địa bàn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, cũng như các hoạt động của đơn vị” - Trung tá Lê Xuân Hữu nhấn mạnh.

Chia tay các anh về trong lòng tôi có nhiều suy nghĩ. Vẫn còn ngổn ngang công việc mà cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gọi đùa là việc cần làm ngay; còn vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng các anh vẫn luôn kiên cường, cộng đồng trách nhiệm. Xen lẫn tiếng hót của các loài muông thú, tiếng xào xạc của cây rừng là tiếng cười, nói rôm rả của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Nô. Thế mới thấy:“Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

  • Từ khóa
8151

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu