Thứ 6, 29/03/2024 06:50:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:15, 02/01/2014 GMT+7

Đà Nẵng không còn hộ nghèo

Thứ 5, 02/01/2014 | 14:15:00 253 lượt xem

Với cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng mà Bộ Chính trị vừa ban hành trung tuần tháng 11-2013, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng TP phát triển nhanh và bền vững hơn.


Dự án Viễn Đông Meridian Towers ở vị trí đắc địa bậc nhất Đà Nẵng, dự kiến cao 48 tầng, theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác trong năm 2012 nhưng đến nay chỉ là bãi đất trống

* Có ý kiến cho rằng Đà Nẵng trong thời gian qua phát triển nhanh và “nóng”. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?

Ông Trần Thọ 

- Tôi có thể khẳng định Đà Nẵng phát triển nhanh chứ không phát triển nóng. Điều này thể hiện khá rõ qua việc phát triển hạ tầng, không gian đô thị... Hồi xưa không gian đô thị chỉ có quận Hải Châu, bây giờ đã phát triển qua phía đông bên Sơn Trà, hướng nam, hướng tây bắc. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, đường sá, cầu cống, kết cấu hạ tầng, bưu chính viễn thông, sân bay, cảng.

Còn nói phát triển nóng thì đó là cái nhìn của các chuyên gia, của vài cá nhân. Theo tôi hiểu, họ nói phát triển nóng ở đây là thị trường bất động sản. Nhưng tôi nghĩ chính việc khai thác và sử dụng hợp lý thị trường bất động sản TP mới có nguồn ngân sách phát triển trong những năm qua.

* Có ý kiến cho rằng nhiều khu đất vàng ở những dự án tại Đà Nẵng rơi vào tay các đại gia và họ đầu cơ, mua đi bán lại nên dự án mãi không được triển khai?

- Việc TP tập trung khai thác quỹ đất để phát triển hạ tầng là hoàn toàn phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ. Không thể phủ nhận Đà Nẵng nhờ nguồn lực từ đất mà phát triển hạ tầng, bây giờ hỏi ai họ cũng trả lời như vậy. Thành ủy Đà Nẵng cũng nhận định như vậy và Bộ Chính trị cũng nhận xét như thế. Còn trong quá trình tổ chức thực hiện có một số việc A, B, C, là nhà đầu tư mua, thuê mà chưa làm kịp.

Hiện TP đang tính bàn với nhà đầu tư, hoặc họ cam kết đẩy nhanh tiến độ hoặc phải thu hồi nếu họ không đủ sức thực hiện chứ không thể để kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Bây giờ thị trường như thế này mà bảo họ làm ngay là khó nên phải giãn tiến độ, cam kết trách nhiệm. Còn việc mua đi bán lại kiếm chênh lệch giá thì vừa rồi đã kiểm tra (kết luận của Thanh tra Chính phủ - PV) và nhận xét đánh giá rồi. Vấn đề còn lại là khắc phục những việc đó.

* Những cách làm đó đã đem lại cho Đà Nẵng những kết quả gì, thưa ông?

- Không chỉ có cơ sở hạ tầng được xây dựng, đường sá, cầu cống, giao thông mở rộng, đi lại thuận tiện mà các mặt khác Đà Nẵng cũng phát triển vượt trội và đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nếu nói về hộ nghèo theo chuẩn của Chính phủ thì Đà Nẵng đã hết từ năm ngoái. Chương trình an sinh xã hội khá tốt, tập trung vào chương trình “5 không, 3 có”. Nhà tạm bợ không còn, nhà xuống cấp chỉ còn 900 cái. Như thế rõ ràng là có sự phát triển nhanh. Nông thôn mới cũng phát triển nhanh, đầu tư của TP tương đối tập trung. Bây giờ các bạn lên các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phong là thấy khác hẳn rồi. TP chỉ còn hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc hơi khó khăn.

* Nhiều người cho rằng Đà Nẵng phát triển chủ yếu nhờ bất động sản. Những năm qua Đà Nẵng đổ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế nhưng nguồn thu từ kinh tế công nghiệp - dịch vụ vẫn còn rất thấp so với tiền bán đất, ông có đồng ý với nhận định này?

- Nếu nói Đà Nẵng phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào bất động sản là sai. Nó chỉ đúng ở một khía cạnh nhỏ thôi. Trong số 12.000 tỉ đồng thu ngân sách năm 2013 chỉ có 1.800 tỉ đồng từ tiền đất, còn lại thu từ phát sinh kinh tế, từ sản xuất kinh doanh... Ở Đà Nẵng hiện nay có nhiều doanh nghiệp sản xuất tốt, nộp thuế rất lớn nên vừa rồi tôi đã có thư khen. Nguồn thu từ quỹ đất khá cao nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nguồn thu ngân sách của TP, chưa tới 20%.

* Trong nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của miền Trung và làm đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển. Nhưng thật sự thời gian qua sự phát triển của Đà Nẵng chưa tác động lớn đến sự phát triển của vùng. Hay nói cách khác là Đà Nẵng mới chỉ phát triển cho Đà Nẵng?

- Sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ cho Đà Nẵng mà còn là động lực của khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đà Nẵng đã xây dựng được sân bay, bến cảng... đáp ứng được phần nào nhu cầu cho cả vùng. Hiện có 22% người lao động ở Đà Nẵng đến từ các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, tính chất vùng chưa rõ nét, sức lan tỏa chưa mạnh. Đó là điều tôi nhận thấy nên vừa rồi Đà Nẵng mới chủ trương khởi xướng và được các tỉnh miền Trung tán thành là liên kết phát triển kinh tế - xã hội. Hiện cũng làm được một số việc như liên kết về phát triển du lịch, giao thông, giáo dục.

* Bộ Chính trị vừa ban hành cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. Với cơ chế mở này, theo ông, đó là cơ hội hay thách thức?

- Vừa rồi Bộ Chính trị tổng kết 10 năm và ban hành kết luận 75, trong đó có nói rằng Bộ Chính trị tiếp tục quan tâm để Đà Nẵng trở thành trung tâm kết nối của khu vực miền Trung và Tây nguyên. Bộ Chính trị cho Đà Nẵng cơ chế đặc thù, cụ thể cho Đà Nẵng một số thẩm quyền trong quyết định đầu tư. Nay mai sẽ làm một số dự án như nâng cấp cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế, di dời ga Đà Nẵng ra ngoài và một số trung tâm khoa học xã hội, công nghệ.

Đây là thời cơ đồng thời cũng là thách thức lớn. Nhưng chúng tôi bình tĩnh đón nhận và quyết tâm làm bằng được. Vấn đề còn lại ở đây là tổ chức thực hiện của TP và sự phối hợp của các bộ ngành trung ương.

* Người tiền nhiệm của ông là ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại dấu ấn khá đậm nét cho sự phát triển của Đà Nẵng. Vậy sau một thời gian thay thế ông Thanh, ông có nghe người dân của TP đánh giá về mình?

- Tôi chỉ có một điều tâm niệm phải làm và làm tốt hơn, như thế thôi. Và thật sự tôi đang cố gắng làm điều đó.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
41248

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu