Thứ 6, 19/04/2024 10:14:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:16, 21/04/2015 GMT+7

Đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ 3, 21/04/2015 | 15:16:00 1,839 lượt xem
BPO - Ngày 20-4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trình bày dự thảo Báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ - Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Bộ luật cho biết: Về cơ bản, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân theo đúng nội dung Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật.

Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo.

Tính đến ngày 15-4-2015, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật, trải đều từ các cơ quan ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội... Đồng thời, hệ thống thông tin đại chúng đã được huy động hiệu quả, thực hiện tích cực trong việc phổ biến, truyền tải thông tin về những bất cập từ thực tiễn, khả năng đáp ứng của dự thảo Bộ luật, nguyện vọng của nhân dân… đã tạo sự quan tâm lớn của các cơ quan chức năng và các tầng lớp xã hội.

“Tất cả các ý kiến này đã được tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực”, ông Dương Đình Huệ nói.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân có 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương.

Về cơ bản, đa số các ý kiến góp ý cho rằng, mục tiêu quan điểm xây dựng Dự án Bộ Luật là phù hợp; nội dung Dự thảo Bộ luật có nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn lỗi về mặt kỹ thuật văn bản hoặc có nội dung chưa rõ ràng, không đồng bộ, chưa giải quyết được triệt để so với yêu cầu của thực tiễn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 10 vấn đề trọng tâm được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân gồm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân dự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; hình thức sở hữu; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu.

Các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Biên tập trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý công phu, thể hiện rõ sự cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý trong dự thảo Bộ luật.

Về hình thức sở hữu, đa số các ý kiến trong Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, theo đó, bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập. Tuy nhiên, cũng có loại ý kiến thứ hai cho rằng, hình thức sở hữu bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung. Đối với sở hữu toàn dân, việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang yếu tố chính trị - kinh tế rất phức tạp nên cần được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật dự kiến chỉnh lý quy định về hình thức sở hữu, theo hướng:

Phương án 1: Quy định 3 hình thức sở hữu, bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng, sở hữu chung.

Phương án 2: Quy định hai hình thức sở hữu , bao gồm sở hữu riêng, sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung.

Cho ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần quy định 3 hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng, sở hữu chung. Bởi sở hữu toàn dân rất đặc biệt, quan trọng vì cơ chế điều chỉnh khác kể cả về căn cứ xác lập, chủ thể, phương thức sở hữu, không thể bỏ sở hữu toàn dân.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, nên quy định hai hình thức sở hữu là công hữu và tư hữu.

Nguồn ĐCS

  • Từ khóa
12966

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu