Thứ 6, 29/03/2024 05:56:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:50, 06/05/2020 GMT+7

Sổ tay phóng viên

Củng cố niềm tin với cây điều

Huỳnh Phúc
Thứ 4, 06/05/2020 | 09:50:00 151 lượt xem
BPO - Niên vụ điều 2019-2020 đang vào cuối kỳ thu hoạch. Đến lúc này đã có thể khẳng định, năm nay tiếp tục là một mùa điều kém vui, vì giá bán giảm sâu ngay từ đầu vụ.

Đầu năm, người trồng điều khấp khởi hy vọng một vụ mùa thuận lợi khi năng suất ước tính lên đến 1,5 tấn/ha. Nhưng ngay khi vào thu hoạch, giá điều chưa tới 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước. Đến thời điểm cuối vụ, giá điều giảm gần một nửa, chỉ còn trong khoảng 15.000 đồng/kg. Nhìn vào diễn biến giá điều năm nay, nếu năng suất đạt từ 1 tấn/ha trở lên, nông dân mới mong có được vài triệu “dằn túi” sau khi thanh toán các khoản chi phí.

Cây điều là nguồn thu nhập quan trọng của hơn 71.000 hộ nông dân trong tỉnh. Làm sao để người trồng điều có thể sống được từ loại cây này, rồi khá lên, trở thành giàu có không chỉ là mong muốn của nông dân mà còn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Là thủ phủ điều của cả nước, chất lượng được xếp vào hàng tốt nhất thế giới, nhưng người nông dân chưa thể “bật” lên được từ loại cây trồng này rõ ràng là một nghịch lý, buộc chúng ta phải có nhiều suy nghĩ.

Đến bây giờ, điều vẫn là loại cây ít tốn kém chi phí chăm sóc so với các loại cây lâu năm khác như tiêu, cao su, cây ăn trái... Nhưng, điều đã không còn là loại cây dễ trồng như quan niệm trước đây. Người trồng điều không thể phó mặc cho trời rồi đến mùa vụ vẫn có thu như trước. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, trong khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều loại bệnh hại mới phát sinh làm gia tăng chi phí phòng, trừ. Chưa kể, nếu thời tiết thuận lợi, đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, điều cho năng suất cao, nhà nông cũng chỉ vui một nửa, nửa còn lại là tùy thuộc vào giá thu mua, mà rõ nhất là vụ điều năm 2019-2020.

Hết thời tiết bất lợi, sâu bệnh hoành hành ở những vụ trước, rồi giá thấp ở vụ này, chưa bao giờ cây điều lại đứng trước nhiều thách thức đến như vậy. Nhiều nông hộ đang phân vân giữa việc tiếp tục gắn bó với cây điều hay đánh liều chuyển sang cây trồng khác, dù biết rằng bất kỳ một sự đánh cược nào cũng đều có rủi ro.

Để giữ vững diện tích điều hiện có, giúp người nông dân yên tâm gắn bó với cây điều, đồng thời tạo sức bật mới cho ngành điều - đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Nghị quyết số 11-NQ/TU yêu cầu trong năm nay hoàn thành việc lập bản đồ vùng chuyên canh điều của tỉnh; đến tháng 7-2021, sẽ phải xây dựng xong chính sách phát triển ngành điều giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; gồm các chính sách hỗ trợ về tín dụng dành cho người trồng điều tái canh cây điều, chính sách về liên kết tiêu thụ sản phẩm; tôn vinh người trồng điều...

Nghị quyết số 11-NQ/TU được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích thật sự cho cây điều Bình Phước trên cả lĩnh vực canh tác và chế biến. Đối với canh tác, đó là ổn định diện tích trồng điều trong khoảng 180 ngàn ha; 100% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận. Đối với chế biến, nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 1 tỷ USD vào năm 2030...

Từ nay đến năm 2030 là một chặng đường khá dài để ngành điều Bình Phước nỗ lực phấn đấu, thay đổi cách làm, củng cố niềm tin cây điều không còn là “bạn của người nghèo” như quan niệm lâu nay, mà hoàn toàn có thể trở thành loại cây trồng để làm giàu.                                       

  • Từ khóa
45696

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu