Thứ 5, 25/04/2024 13:03:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:20, 26/05/2020 GMT+7

Cụ thể hóa 13 nhóm chính sách trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Trần Thể
Thứ 3, 26/05/2020 | 11:20:00 182 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (26-5), Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Bình Phước có Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế và những thách thức ngày càng lớn về sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, những cơ chế và biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp, hiệu quả. Đồng thời việc sửa đổi cũng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận sáng 26-5

Luật gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày. 

Luật kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp.

Luật cũng đã bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường như: cơ chế đặt cọc - hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, thuế cacbon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….

Luật đã bổ sung quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo đảm các điều kiện tham gia hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức và cộng đồng dân cư.

  • Từ khóa
33823

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu