Thứ 6, 29/03/2024 06:51:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 20:02, 27/05/2020 GMT+7

Covid-19: Nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tại Châu Âu đối mặt với nguy cơ hậu chấn tâm lý

Thứ 4, 27/05/2020 | 20:02:00 281 lượt xem
BPO - Chiều nay (27-5), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết không có thêm ca nhiễm mới Covid-19. Như vậy, đến nay đã 41 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng.

Trong ngày, có 6 bệnh nhân đang điều trị được công bố khỏi bệnh, đó là các bệnh nhân thứ: 19, 52, 291, 295, 308 và 324. Tổng số ca khỏi tại Việt Nam là 278 trên tổng số 327 ca nhiễm Covid-19, hiện còn lại 49 trường hợp đang được điều trị.

Trong số các ca được công bố khỏi bệnh hôm nay, có bệnh nhân thứ 19 (64 tuổi, nữ, quốc tịch Việt Nam) nhập viện ngày 6-3-2020. Đây là trường hợp bệnh nặng nhất trong số các bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đến thời điểm này.

Cũng trong hôm nay, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức chuyến bay đưa gần 340 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em, học sinh, người cao tuổi, người ốm đau, du học sinh đã học xong và tốt nghiệp, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, một số khách du lịch, đi công tác bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngay sau khi hạ cánh tại Việt Nam, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đều được kiểm tra sức khỏe và cách ly tập trung theo quy định. Những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế, đảm bảo ngăn ngừa sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn đang rất phức tạp, đến nay đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca nhiễm Covid-19, khiến hơn 352.000 người tử vong.

Theo những quy định mới được Chính phủ Pháp đưa ra ngày hôm nay, các bác sĩ nước này không được phép sử dụng hydroxychloroquine để điều trị cho các ca nhiễm Covid-19. Việc sử dụng thuốc này, thông thường dùng để điều trị bệnh thấp khớp và bệnh lao da, đã gây tranh cãi sau khi một số bác sĩ nổi tiếng và thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu ủng hộ thuốc này trong quá trình bùng phát dịch Covid-19 dù thiếu các cuộc thử nghiệm có thẩm quyền về hiệu quả của nó trong điều trị đại dịch này.

Thông báo của WHO cho biết sẽ công bố đánh giá về mức độ nguy hại, lợi ích hoặc thiếu sót của thuốc sốt rét trong điều trị Covid-19, có thể vào giữa tháng 6 tới. WHO cũng quyết định dừng chương trình thử nghiệm thuốc này đối với hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 ở 17 quốc gia.

Năm quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) bao gồm: Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italy đã kêu gọi các nước cùng hợp tác phát triển một ứng dụng kỹ thuật số chung để có thể theo sát tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo các nước trên, việc thiết lập lại đời sống bình thường ở EU, phục hồi nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của người dân giữa các nước đòi hỏi một nỗ lực chung của Châu Âu cùng với các ứng dụng kỹ thuật số cho phép liên tục kết nối ở Châu Âu bất chấp khoảng cách vật lý.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa thông báo một kết quả ngoài mong đợi, số tiền 9,5 tỷ euro (10,43 tỷ USD) đã được quyên góp từ hoạt động gây quỹ ủng hộ phát triển vắcxin phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Quỹ này được EC khởi xướng từ ngày 4-5 cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược và các quỹ từ thiện trên thế giới.

Trong một diễn biến khác, các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại đại dịch Covid-19 tại Châu Âu đang đối mặt với rủi ro lớn là dễ bị hậu chấn tâm lý, khi ngày ngày phải tiếp xúc gần với các ca bệnh nặng và các ca tử vong. Giới y tế đang mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để giải quyết rủi ro này.

Cuộc chiến giành mạng sống cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang đi kèm một hậu quả nghiêm trọng. Các nghiên cứu tại Bỉ cho thấy số nhân viên y tế muốn bỏ nghề hiện cao gấp đôi bình thường, còn số người cảm thấy lo lắng khổ sở cao gấp 4 lần. Một nghiên cứu khác cho thấy những người làm việc trong ngành y uống nhiều rượu, bia hơn những người làm việc trong các ngành khác.

  • Từ khóa
63928

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu