Thứ 7, 20/04/2024 07:27:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 00:00, 25/11/2011 GMT+7

Công nhận hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể

Thứ 6, 25/11/2011 | 00:00:00 223 lượt xem
Điệu hát "Mó cá”, một trong những điệu hát
được các nam thanh, nữ tú mong đợi nhất
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vào lúc 11 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 24-11, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận đưa loại hình hát xoan vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Trước đó, UNESCO đã đánh giá đây là một trong những bộ hồ sơ rất tốt cần được
xem xét.

Hát xoan là lối hát thờ thần Thành Hoàng, thuộc dân ca nghi lễ phong tục gắn với hội mùa của người dân Phú Thọ - một tỉnh có địa hình trung du. Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu. Vào ngày mùng 5 Âm lịch hàng năm thường hát ở đền Hùng.

Thời điểm hát được quy định tại một điểm hát nhất định, mỗi “phường” chọn 1 vị trí cửa đình. Hát cửa đình giữ cửa đình với mục đích để nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau.

Tin vui này đã nhanh chóng lan tỏa tới đông đảo nhân dân, bởi đây không chỉ là niềm vui lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ - nơi sinh ra loại hình hát xoan, mà là sự vinh dự lớn lao khi Việt Nam có thêm di sản thứ 10 được vinh danh ở tầm thế giới.

Các nhà quản lý, nghiên cứu đã có nhiều tâm trạng chia sẻ, đánh giá, nhận xét xung quanh sự kiện này.

Ông Hồ Hữu Thới, Chánh văn phòng Hội Di sản Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi nhận thông tin và đã chỉ đạo bộ phận tuyên truyền đưa ngay lên mạng Intenet của Hội để đông đảo bà con nhân dân được biết. Thời gian qua Nhà nước ta đã rất quan tâm tới công tác bảo vệ di sản, nhất là khi có Luật di sản ra đời. Chúng ta đã có nhiều động thái, nhiều chính sách để bảo vệ nên nay đã có kết quả tốt và được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, đất nước ta còn chưa giàu nên ngân sách dành cho đầu tư, bảo vệ di sản còn hạn chế nên phải đầu tư dàn trải cho nhiều di sản khác nhau. Vì vậy, tôi mong muốn quần chúng nhân dân cần khẩn trương vào cuộc, vì họ chính là chủ thể của di sản nên hơn ai hết họ phải ra sức bảo vệ và phát huy di sản".

Cục Trưởng Cục Di sản Văn hóa- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Tôi đang đi công tác xa mới chỉ nhận được thông tin vui này từ anh em đi dự họp ở Indonesia. Chắc chắn đợi khi đoàn về thì Cục sẽ có những đánh giá, nhận xét cũng như đề ra các phương án bảo vệ cụ thể, thiết thực hơn".

Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản Việt Nam nói: "Nhận được thông tin này chúng tôi là những người nghiên cứu và yêu di sản có cảm xúc rất đặc biệt, trong đó vừa mừng vừa lo; mừng vì đất nước mình lại có thêm 1 di sản được vinh danh, nhưng nỗi lo là làm sao để trong thời gian tới chúng ta bảo tồn được trong cộng đồng dân cư".

Phó giáo sư, tiến sĩ Bài chia sẻ, đây là loại hình độc đáo không chỉ gắn liền với các nhà thờ họ mà còn gắn với di tích lịch sử quốc gia đền Hùng. Di sản phi vật thể hát xoan có truyền thống lâu đời nhằm để thờ tổ tiên, làng mạc và đóng góp rất lớn đến yếu tố linh thiêng, tạo thêm sức sống mới để con người xích lại gần nhau hơn, phấn đấu trong lao động, sáng tạo. Mặc khác cần lưu tâm, khi đưa Di sản phi vật thể này về nơi nó sinh ra cũng cần ngăn ngừa sự phát triển du lịch, tham quan tràn lan, không đúng ý nghĩa và thiếu văn hóa làm nó bị biến tấu và sai lệch. Di sản gắn với du lịch là điều rất tốt nhưng cần phải làm bài bản và đúng cách.

Trước đó, trả lời phóng vấn báo chí, theo bà Duvelle, chuyên gia Pháp thì có 5 tiêu chuẩn mà các hồ sơ muốn được đề cử phải đáp ứng đủ là hồ sơ phải có các điểm cần thiết để được coi là một di sản văn hóa phi vật thể như định nghĩa và quy định trong Công ước di sản phi vật thể thế giới. Thứ hai, di sản cần bảo vệ và bảo tồn khẩn cấp vì đang bị đe dọa, dù cộng đồng, chính quyền và người dân địa phương đã có nhiều nỗ lực bảo vệ.

Về điều này, Việt Nam đã chứng minh rất tốt, rằng, việc truyền lại phong tục hát xoan từ thế hệ này sang thế hệ khác đã được thiết lập từ lâu đời, nhưng ngày càng khó khăn do thế hệ biết về hát xoan đều già, còn giới trẻ ngày càng đi xa khỏi các ngôi làng, lên thành phố, hoặc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thay đổi cuộc sống của giới trẻ, nên có ít người tiếp nối loại hình văn hóa quý giá này.

Thứ 3, các biện pháp bảo vệ phải được nêu ra để cho phép cộng đồng gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể đó, và Việt Nam cũng đã nêu tốt các biện pháp cụ thể để bảo tồn, khôi phục hát xoan. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo tồn.

Thứ 4, phải có sự nhất trí và cam kết của cộng đồng dân cư địa phương trong việc xin công nhận và bảo tồn di sản. Trong vấn đề này, hồ sơ của Việt Nam chứng minh được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ hát xoan và đề nghị công nhận hát xoan là di sản phi vật thể của thế giới. Cuối cùng, di sản phải được thống kê, lưu giữ trong các hệ thống bảo tồn quốc gia.

Tại Việt Nam, hát xoan có mặt trong các danh sách nghiên cứu và bảo tồn của Nhạc viện, Viện nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật thuộc Bộ văn hóa, thể thao và du lịch; trong các hệ thống nghiên cứu và bảo tồn của tỉnh Phú Thọ từ nhiều năm qua.

Hội tụ đủ 5 tiêu chí cần thiết, lại có sức thuyết phục lớn đối với cơ quan tư vấn khoa học, nên theo bà Duvelle hồ sơ hát xoan có nhiều triển vọng thành công.

(Theo TTXVN)
  • Từ khóa
87631

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu