Thứ 6, 29/03/2024 21:53:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:20, 02/07/2020 GMT+7

Cố tình “nhầm lẫn”

Thảo Linh
Thứ 5, 02/07/2020 | 09:20:00 388 lượt xem

BPO - Dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay là năm chẵn; cùng với đó là kết quả phòng chống tham nhũng, phòng chống dịch Covid-19 đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí cách mạng, nên sự kiện này được cả xã hội quan tâm. Suốt 2 tuần qua, nhiều hoạt động tôn vinh nhà báo, nghề báo diễn ra đã cổ vũ tinh thần những người làm báo thêm vững tay bút, tay máy để có các tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh chân thực hiện thực khách quan, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong không khí phấn khởi của người làm báo Việt Nam trước những thành tựu của báo chí cách mạng thì trang mạng của nhà đài RFA - một kênh thông tin luôn thể hiện thái độ thù địch với Việt Nam liên tục đăng tải những bài viết xuyên tạc nền báo chí cách mạng.

Cụ thể, ngày 16-6-2020, trang RFA có bài: Ngày nhà báo, chỉ chúc mừng báo chí cách mạng của tác giả Không Quỳnh. Với cái nhìn thiển cận và thù địch, ngay từ đầu tác giả bài viết đã công kích: “Từ lâu rồi, ngày 21-6 hàng năm không còn được những người làm báo chân chính Việt Nam xem trọng và vui mừng”. Sau khi liệt kê một số tên tuổi học giả và nhà báo thời Pháp thuộc như Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương, Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương… cùng tên một số tờ báo cùng thời như “Nông cổ mín đàm”, “Lục tỉnh tân văn”, “Nữ giới chung”… tác giả cho rằng ngày Báo chí Việt Nam mà chỉ chúc mừng báo chí cách mạng nghĩa là chối bỏ lịch sử lâu đời của nền báo chí nước nhà. Và với sự “hờn dỗi” rất buồn cười, tác giả viết: “Chúng tôi từ chối nhận ngày 21-6 là một ngày kỷ niệm nghề nghiệp, một ngày giỗ của nghề”. Chưa hết, với tít phụ “Bức thư xoa đầu của Thủ tướng” và “Một tiếng nói hình thức và giả hiệu” thì chẳng cần đọc nội dung đã biết thái độ hằn học, kỳ thị của tác giả khi nói đến báo chí cách mạng rồi.

Ngày 20-6, cũng trang này đăng bài: Báo chí đảng & báo chí người Việt của anh nhạc sĩ trở cờ Tuấn Khanh và bài Báo chí Cách mạng hay phản tiến bộ của tác giả Lập Quyền Dân. Cả 2 bài báo tiếp tục vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí, đàn áp báo chí qua việc bắt giam các nhân vật thuộc tổ chức Hội nhà báo độc lập - thực chất là tổ chức bất hợp pháp của những kẻ chống phá đất nước như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Lê Hữu Minh Tuấn… Theo RFA thì “đây là một sự tấn công tự do báo chí, dập tắt các tiếng nói thực hiện quyền tự do báo chí”. Đọc đến đây, có lẽ nhiều người phải ngơ ngác với sự nhầm lẫn tai hại của nhà đài RFA.

Nếu ai quan tâm đến tình hình an ninh chính trị thì sẽ biết rất rõ, những kẻ đã làm nhiều việc có hại cho đất nước và bị pháp luật Việt Nam trừng trị như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Lê Hữu Minh Tuấn… bị bắt, bị xét xử vì lý do gì. Thực tế là những kẻ phá bĩnh này bị bắt vì có hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam chứ không liên quan gì tới “thực hiện quyền tự do báo chí” như RFA cùng một số trang mạng khác rêu rao. Bất kể quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ nào cũng có pháp luật riêng. Việt Nam không ngoại lệ và đang từng bước sửa đổi Hiến pháp, pháp luật để ngày càng có nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực phù hợp với công pháp quốc tế, trong đó có lĩnh vực báo chí. Vậy thì RFA làm sao có thể đánh đồng giữa hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước với thực hiện quyền tự do báo chí được?

Không chỉ vậy, trong số này chỉ có Phạm Thành từng là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng ngay trong thời gian còn công tác tại đài, do hành vi đăng tải lên internet một số bài viết có nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc và “bóp méo” chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Phạm Thành đã bị cảnh cáo, cho thôi giữ chức vụ Phó trưởng phòng và điều chuyển về Phòng Kiểm thính. Bất mãn vì bị kỷ luật nên ngay sau khi về hưu (năm 2012), Phạm Thành đã lập blog cá nhân, lấy tên “Bà Đầm Xòe” và lập facebook cá nhân “Phạm Thành” để tuyên truyền vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước Việt Nam; đồng thời tiếp tay cho các đối tượng khác chống phá đất nước, kêu gọi lật đổ thể chế chính trị tại Việt Nam. Được trời phú cho khả năng viết lách và từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng thật đáng tiếc, Phạm Thành lại sử dụng khả năng ấy để viết những bài xuyên tạc trên các trang mạng không thiện chí với Việt Nam; đồng thời xuất bản một số cuốn sách mang nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, xúc phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Một kẻ vô ơn, phản trắc như thế thì cần phải nghiêm trị theo quy định pháp luật chứ oan ức nỗi gì! 3 kẻ còn lại trong danh sách “nhà báo” mà đài RFA xướng tên gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thì ngoài những bài xuyên tạc, chống phá đăng trên các trang mạng thù địch, họ chưa một ngày làm báo ở bất cứ một cơ quan báo chí nào thì làm sao được gọi là nhà báo!

Tự do ngôn luận, tự do báo chí phải luôn đi kèm với tuân thủ pháp luật. Không thể đánh đồng giữa hành vi tuyên truyền chống Nhà nước với thực hiện quyền tự do báo chí. Bởi thế, nếu không phải là sự “nhầm lẫn” có ý đồ đen tối thì nhà đài RFA đang cổ xúy cho các đối tượng chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật Việt Nam và tuyên truyền chống Việt Nam trên lĩnh vực báo chí mà thôi.

  • Từ khóa
2926

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu