Thứ 6, 29/03/2024 02:49:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:51, 04/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Có nên bỏ thời hiệu khởi kiện?

Thứ 4, 04/02/2015 | 14:51:00 2,043 lượt xem
BP - Ngay sau khi dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi được công bố, có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Cụ thể, có ý kiến cho rằng trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi chỉ cần quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự mà không nên quy định thời hiệu khởi kiện.

Lý do để những người ủng hộ ý kiến này cho rằng quy định như vậy là phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, đồng thời tạo công cụ pháp lý tốt hơn để các chủ thể căn cứ vào đó thực hiện việc bảo vệ các quyền dân sự của mình. Việc quy định thời hiệu khởi kiện như hiện hành tuy có tác dụng tạo thuận lợi cho tòa án trong việc chứng minh, giải quyết vụ việc dân sự, đồng thời tạo căn cứ để tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không phải đưa ra phán quyết cụ thể để xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ, nhưng lại có hạn chế là chưa giúp giải quyết được một cách triệt để các tranh chấp phát sinh. Khi không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, chủ thể có thể sử dụng những biện pháp hành xử ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những người có chung ý kiến như trên còn dẫn chứng ra rằng, trong Bộ luật dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng chỉ quy định thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ mà không quy định thời hiệu khởi kiện.

Tuy nhiên, về phần cá nhân mình, tôi hoàn toàn đồng tình với những ý kiến cho rằng nên tiếp tục kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện như Bộ luật dân sự hiện hành, nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình; đồng thời không tạo áp lực cho tòa án trong việc giải quyết những vụ việc dân sự đã xảy ra trong thời gian dài, khó xác định về chứng cứ cũng như nội dung vụ việc. Hơn nữa, vấn đề thời hiệu khởi kiện đã được quy định và áp dụng ổn định trong pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự ở nước ta từ nhiều năm nay, nên việc bỏ quy định về loại thời hiệu này có thể gây ra những xáo trộn nhất định trong thi hành pháp luật.

Ý kiến thứ hai trong bài viết này, tôi đóng góp cho những quy định về cầm cố chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm. Cụ thể, tại Điều 338 của Dự thảo Bộ luật dân sự có quy định như sau: 1. Việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và ngân hàng. 2. Bên nhận cầm cố vận đơn có quyền xuất trình vận đơn theo thủ tục được pháp luật quy định để thực hiện quyền chiếm hữu đối với hàng hóa ghi trên vận đơn đó. Trường hợp người giữ hàng hóa không chuyển giao hàng hoá theo vận đơn cho bên nhận cầm cố mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận cầm cố, trừ trường hợp bên nhận cầm cố không phải là bên nhận hàng hóa đã được ghi rõ tên trên vận đơn. 3. Trường hợp bên nhận bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm được bù trừ nghĩa vụ đó.

Tôi đồng ý với quy định trên, nhưng cũng đề xuất cần bổ sung thêm quy định về việc cầm cố tiền trên tài khoản tiền gửi. Hiện nay, vấn đề này đang được xem là khoảng trống của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Vì trước đây, trong Thông tư số 07/2003/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có quy định như sau: “Số dư trên tài khoản tiền gửi” là một tài sản cầm cố, thế nhưng từ khi có Nghị định số 163/2013/NĐ-CP thì loại tài sản này bị bỏ ngỏ. Còn trong thực tế cuộc sống cho thấy, tài khoản tiền gửi trong thẻ vẫn được các tổ chức tín dụng cũng như người sở hữu đều coi đó như là tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, trong thực tế lại không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh (từ khâu nhận đến xử lý, trách nhiệm của ngân hàng nơi mở tài khoản...). Do đó, rủi ro luôn tiềm ẩn cho bên nhận bảo đảm.

Vì vậy, tôi đề xuất là trong Điều 338 của Dự thảo Bộ luật dân sự cần bổ sung một khoản nữa để điều chỉnh về việc cầm cố tiền trên tài khoản tiền gửi.

Như Nhất

  • Từ khóa
12551

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu