Thứ 6, 26/04/2024 02:07:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:30, 06/05/2015 GMT+7

Phòng tránh tai nạn lao động - trách nhiệm không của riêng ai

Thứ 4, 06/05/2015 | 08:30:00 341 lượt xem
BP - Theo đánh giá của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được tình hình bởi lực lượng quản lý mỏng, doanh nghiệp hoạt động nhiều. Mặt khác, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ chưa thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn lao động (ATLĐ) trong sản xuất; khi TNLĐ xảy ra, người lao động và doanh nghiệp thường thương lượng với nhau để khắc phục hậu quả. Để hạn chế TNLĐ, ngoài việc cơ quan chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đảm bảo quy trình sản xuất ATLĐ thì người lao động phải biết cách bảo vệ mình.

Người lao động đang thi công trên công trường xây dựng khu trung tâm hành chính và đô thị mới thị x Phước Long thiếu thiết bị đảm bảo an toàn lao động trên cao (chụp ngy 2-5-2015) - Ảnh: Trần Phương

Những con số khiêm tốn

Năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 92 vụ TNLĐ làm chết 3 người, bị thương nặng 9 người. Đây là con số rất khiêm tốn so với tình hình TNLĐ trên thực tế. Bởi toàn tỉnh có 2.170 doanh nghiệp nhưng năm qua chỉ có 59 doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ. Trong đó chỉ có 14 đơn vị để xảy ra TNLĐ. Một số đơn vị năm 2014 có số vụ TNLĐ nhiều như: Công ty TNHH Tech Seal - Dai Binh (17 vụ TNLĐ nhẹ); Công ty TNHH Freewell (21 vụ TNLĐ, trong đó có 2 vụ chết người); Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An (10 vụ TNLĐ)... Một số công ty, doanh nghiệp tuy không báo cáo về số vụ TNLĐ nhưng Sở LĐ-TB&XH vẫn nắm được như Công ty TNHH cán và luyện thép Tân Thành Phát để xảy ra TNLĐ làm chết 1 người và 1 người bị thương nặng; Công ty chăn nuôi CP Việt Nam xảy ra 1 vụ TNLĐ làm chết 1 người... Khi TNLĐ xảy ra, chủ doanh nghiệp và gia đình người bị nạn thương lượng để khắc phục hậu quả, đó là những trường hợp nhẹ. Còn khi tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng không thể che giấu thì doanh nghiệp mới báo cáo.

Ông Trần Đại Kỳ, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Năm 2014, trên 55% số vụ TNLĐ xảy ra do người sử dụng lao động chưa huấn luyện ATLĐ cho người lao động, không xây dựng quy trình làm việc, thiết bị không đảm bảo ATLĐ. Người lao động tự gây TNLĐ chiếm khoảng 25% số vụ còn lại là do nguyên nhân khác”. 


Lao động trong điều kiện không an toàn, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động hoặc cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời (Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần XS&DV Phúc Thịnh đang làm việc) 

Năm 2014, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 lớp huấn luyện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 231 cán bộ xã, phường, huyện, thị xã và một số ngành liên quan; mở 5 lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho 320 cán bộ quản lý và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng năm sở còn lồng ghép, phổ biến các quy định pháp luật đối với lao động nữ, thanh niên, người cao tuổi và là người khuyết tật cho các doanh nghiệp. Song song với tập huấn an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, Sở LĐ-TB&XH tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp (năm 2014 kiểm tra 50 doanh nghiệp), qua đó phát hiện 537 lượt doanh nghiệp vi phạm, lập biên bản và xử phạt 13 doanh nghiệp vi phạm về lao động với số tiền 169,4 triệu đồng.

Muôn kiểu TNLĐ

Năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 12 doanh nghiệp báo cáo định kỳ về khám sức khỏe cho người lao động; 8 doanh nghiệp báo cáo định kỳ về môi trường làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; 8 doanh nghiệp bồi dưỡng độc hại cho người lao động bằng hiện vật. Chưa có doanh nghiệp nào báo cáo việc kiểm tra môi trường lao động, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động; chưa có báo cáo định kỳ về lao động nữ, lao động chưa thành niên...

Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Đạt ở ấp 2, xã Minh Đức (Hớn Quản) phải sống phụ thuộc vào gia đình sau vụ TNLĐ xảy ra năm 2009. Anh Đạt kể: “Trước đây tôi làm công nhân cho Công ty tái chế nhựa Hà Keo tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc của tôi là cho hạt nhựa vào máy xay. Một hôm, khi cho bao nguyên liệu vào máy thì bị trượt chân nên bị máy xay nát một cánh tay và chân. Từ một lao động chính, tôi thành người tàn phế, sống dựa vào gia đình”.

Trường hợp của anh Hồ Sỹ Chiến (Tân Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào xã Minh Hưng (Chơn Thành) làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc cũng tương tự. Đầu năm 2015, anh Chiến đang làm ca đêm thì chiếc áo bị ốc của trục xoay máy nhuộm vải cuốn vào làm nát cánh tay phải của anh. Rất may đồng nghiệp phát hiện kịp thời nên đã dừng máy, nếu không tính mạng cũng khó giữ.

Cuối năm 2014, chị Ngô Thị Phương Thảo, công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú bị máy cắt nguyên liệu làm dập nát ngón thứ 2 của bàn tay phải. Lúc đó chị Thảo đang cắt nguyên liệu để may giày thì phát hiện con ốc trên máy cắt bị lỏng liền dừng máy và ra phía sau xiết lại. Chị Thảo đang loay hoay sửa thì công nhân Đ.T.T đến khởi động máy làm chị bị dập bàn tay, mất khả năng lao động vĩnh viễn 17%. Đầu năm 2015, tại Khu công nghiệp Đồng Xoài II (xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài), một nữ công nhân không mang bảo hộ lao động theo quy định cũng đã bị máy cuộn cuốn tóc làm mất một mảng da đầu.

Doanh nghiệp và người lao động phải bảo vệ mình

Ghi nhận từ các doanh nghiệp chế biến hạt điều, xẻ gỗ, xây dựng... cho thấy người lao động thời vụ không được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động. Điều này làm cho người lao động mất quyền lợi khi TNLĐ xảy ra. Chính vì vậy, người lao động phải tự bảo vệ mình. Nếu thấy làm việc trong môi trường không an toàn là phải yêu cầu chủ doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc khắc phục những vấn đề có thể xảy ra TNLĐ.

Ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để hạn chế TNLĐ, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có nhiều lao động giản đơn về việc thực hiện ATLĐ, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội... Doanh nghiệp phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tuân thủ các quy trình lao động, trang bị đồ bảo hộ lao động cho người lao động. Điều này sẽ góp phần hạn chế số vụ TNLĐ, bảo vệ được quyền lợi của người lao động.    

Ngày 2-2-2015, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 04-2015/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mức bồi thường TNLĐ được ít nhất bằng 30 tháng tiền lương; người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10% được bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. 

Nhất sơn

  • Từ khóa
51462

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu