Thứ 6, 29/03/2024 15:59:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:26, 18/09/2015 GMT+7

Người chăn nuôi gặp khó khi giá gà giảm mạnh

Thứ 6, 18/09/2015 | 10:26:00 388 lượt xem
BPO - Từ đầu năm đến nay, các chủ trang trại nuôi gà ở khu vực Đông Nam Bộ liên tục bị thua lỗ do giá gà không ổn định. Thậm chí, hai tháng trở lại đây giá gà các loại giảm mạnh.

Lỗ nặng vì giá gà xuống thấp

Theo các chủ trang trại nuôi gia cầm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đầu tháng 7 trở lại đây, giá gà các loại giảm mạnh. Cụ thể, gà ta giảm 15.000 đồng/kg, chỉ còn 50.000 đến 55.000 đồng/kg. Gà tam hoàng hiện đã giảm thêm 10.000 đồng/kg, chỉ còn 27.000 đến 28.000 đồng/kg. Riêng gà công nghiệp lông trắng, đang từ mức giá 30.000 đến 32.000 đồng/kg giảm xuống còn 25.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Đức Minh, một chủ trang trại ở phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, hiện trang trại của gia đình ông có 1 nghìn con gà ta, 1 nghìn con gà lông trắng công nghiệp và gần 5 trăm con gà tam hoàng chưa bán được do không có nơi tiêu thụ. Mặc dù có người hỏi mua, nhưng trả giá thấp, nếu bán thì sẽ lỗ, bởi chi phí thức ăn, thuốc bệnh và tiền thuê mặt bằng làm trang trại đều cao. Cũng theo ông Minh, nếu cứ để nuôi như thế này không xuất bán được, gia đình ông chịu lỗ từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg tùy từng loại gà.


 Nhiều chủ trang trại gà bị lỗ nặng do giá gà thịt liên tục xuống thấp

Cũng giống như ông Nguyễn Đức Minh ở thành phố Vũng Tàu, ông Đặng Văn Tuyền, chủ trang trại gà ở thị trấn Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, từ đầu tháng 4/2015, ông Tuyền mua hơn 1 nghìn con gà giống về nuôi. Vào thời điểm này hàng năm, gia đình ông Tuyền đã xuất bán hết gà thịt, bởi chỉ sau 4 tháng gà nuôi đã đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con. hiện trại gà của gia đình ông Tuyền đang còn vài trăm con gà đã quá lứa, trọng lượng từ 2,5 đến 3kg/con nhưng vẫn không bán được. Không bán cho thương lái được, hàng ngày, người nhà ông Tuyền phải chở gà đi các chợ trong tỉnh bán, bởi càng nuôi, chi phí càng lớn mà giá lại đang xuống thấp. Được biết, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 80 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn hơn 2 triệu con, trong đó có 2 trại gà giống, 2 trại của công ty nước ngoài, 50 trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… và 26 trại nuôi tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay các công ty chăn nuôi gia công ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang chủ động thu hẹp quy mô nuôi để giảm lỗ

Có thể thấy, giá thịt gà siêu rẻ như thời điểm hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi khu vực Đông Nam bộ, nơi cung cấp tới 70% lượng thịt gà toàn khu vực phía Nam. Riêng tại tỉnh Bình Dương, với quy mô 150 trang trại, 6 công ty chế biến gà và gần 2,5 triệu con gà, trước việc thịt gà nhập khẩu đang ồ ạt đổ bộ vào thị trường này, đã trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương.

Chị Nguyễn Quyên Nhinh, chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian này giá gà thương phẩm trên địa bàn liên tục giảm còn khoảng 22.000 đến 25.000 đồng/kg, trong khi đó giá bình quân trước đây thường khoảng 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn không hề giảm. Gia đình chị Nhinh mặc dù nhận nuôi gia công, được bao tiêu sản phẩm nhưng giá gà thu mua giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận. Hiện đàn gà với khoảng trên 10 nghìn con đang chờ xuất bán, nhưng do giá gà liên tục giảm đã làm cho chủ trang trại đứng, ngồi không yên.

Được coi là thủ phủ của ngành chăn nuôi ở Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai hiện có tổng đàn gà là khoảng 14 triệu con, trong đó gần 90% là chăn nuôi theo hình thức trang trại với quy mô lớn. Liên tục trong nhiều tháng qua, người chăn nuôi gà lông trắng công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rơi vào tình cảnh bị thua lỗ nặng do giá gà liên tục giảm mạnh. Do giá gà chỉ còn 20.000 đến 25.000 đồng/kg và mặc dù từ đầu tháng 4/2015 đến thời điểm hiện nay, giá gà lông trắng công nghiệp đã nhích lên 27.000 đến 28.000 đồng/kg, nên người chăn nuôi vẫn lỗ, bởi giá bán trên vẫn nằm dưới mức giá thành và người dân vẫn bị lỗ khoảng 30% so với giá thành.

Huyện Thống Nhất, Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai là những địa phương có nghề chăn nuôi phát triển, trong đó các chủ trang trại lớn nuôi gà của Đồng Nai hầu hết tập trung ở hai địa phương này, do giá cả thị trường, không ít chủ trang trại gà đã phá sản, sau khi bỏ chuồng dừng nuôi gà, nhiều chủ trại ở hai địa phương nói trên cũng đã quyết định chuyển sang đầu tư chuồng trại để nuôi vịt, mặc dù loại gia cầm này mà cách đây không lâu, bị dịch bệnh, giá thấp đã khiến không ít chủ trang trại phải lao đao.

Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay người chăn nuôi gà ở Đồng Nai chủ yếu nuôi gia công cho các công ty nước ngoài và công ty trong nước có quy mô lớn. Phần lớn các hộ nuôi gà lông trắng công nghiệp nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa Việt Nam… Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn và họ áp dụng các chính sách về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, con giống, do đó người dân nuôi gia công cho những doanh nghiệp này có ảnh hưởng nhưng không lớn như những trang trại nhỏ lẻ và các doanh nghiệp trong nước.

Trên thực tế, sản phẩm gà trắng công nghiệp chủ yếu phục vụ cho một số đối tượng nhất định. Sản phẩm này chủ yếu để làm zămbông và bán cho các bếp ăn phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp. Trong khi đó, người tiêu dùng lại khá thờ ơ với loại gà lông trắng công nghiệp này. Cũng theo ông Dương Anh Tuấn, trong các hoại hàng thực phẩm có những sản phẩm dư thừa, nguồn cung lớn và đặc biệt giá cả giảm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác. Khi sản phẩm gà lông trắng công nghiệp dư thừa và giá giảm sâu thì sẽ ảnh hưởng đến cả thịt gà khác nói riêng và thực phẩm các loại nói chung, và như vậy, với mức lỗ khoảng 30% so với giá thành như hiện nay thì người chăn nuôi sẽ khó có thể cầm cự được lâu. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, chỉ riêng nửa đầu năm 2015, ngành chăn nuôi với quy mô hơn 3.000 trang trại tại các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ đã phải chịu lỗ hơn 500 tỷ đồng.

Giải pháp cho giá thịt gà ổn định

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân khiến giá gà các loại giảm mạnh trong thời gian qua là do gà nhập khẩu nhiều, giá lại rẻ hơn nhiều so với gà nuôi trong nước. Lượng gà nhập khẩu chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có giá từ 19.000 đến 20.000 đồng/kg, trong khi giá gà hơi ở Việt Nam lại đắt hơn gà thịt của Mỹ tới 15.000 đồng/kg.

Một nguyên nhân khác khiến giá gà các loại giảm mạnh và khó bán là do cung đã vượt xa cầu, trong khi đó người chăn nuôi thiếu thông tin về tình hình chăn nuôi như giá cả thị trường, sức tiêu thụ, tổng đàn tại địa phương. Theo các chủ trang trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu…, nguyên nhân cơ bản làm cho giá trứng, thịt gà lông trắng công nghiệp giảm giá sâu, đó là sức mua hàng thực phẩm chung của thị trường giảm, trong khi đó tổng đàn gà lông trắng công nghiệp tăng cao, do việc phòng chống dịch bệnh ở các địa phương đã được thực hiện hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia cầm.


 Thịt gà nhập khẩu bày bán tại các siêu thị

Khảo sát thị trường tại một số siêu thị trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ, có thể thấy các mặt hàng thịt gà đông lạnh nhập khẩu có giá rất thấp so với hàng trong nước. Tại Siêu thị Metro, giá đùi gà nhập khẩu từ Mỹ được giới thiệu với mức giá sốc 33.900 đồng/kg, trong khi đó giá đùi gà góc tư của Công ty Fine Food Việt Nam có giá 65.900 - 81.900 đồng/kg. Tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…,đùi gà công nghiệp được bán ở chợ có mức giá từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg. Thậm chí trên một số trang bán hàng online, thịt gà Mỹ có giá chỉ từ 25.000 đến 35.000 đồng.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, những tháng đầu năm nay, tại nhiều bang ở Mỹ đã diễn ra 3 đợt cúm gia cầm, các đơn hàng từ thị trường châu Âu đã từ chối nhận hàng từ Mỹ, Việt Nam cũng ra khuyến cáo ngưng nhập khẩu gà từ thị trường này. Tuy nhiên vẫn có một số lượng lớn thực phẩm từ gà được nhập vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, cách đây 10 năm người chăn nuôi gà ở Bình Dương đã từng điêu đứng khi giá đùi gà từ nuớc ngoài nhập về Việt Nam chỉ có 15.000 đồng/kg, hàng chục trang trại mới hình thành phải đóng cửa vì thua lỗ. Còn hiện nay, tình hình gà nhập khẩu từ nuớc ngoài bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2015, từ tháng 7 trở lại đây thịt gà từ nước ngoài tràn lan vào thị trường Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đã gây ảnh hưởng lớn cho các chủ trang trại chăn nuôi gà ở khu vực này.

Theo ông Thân Xuân Động, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn việc nhập gà thải loại, gà nhập lậu, cũng như cần hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm gia cầm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà cũng rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm gà trong nước trên thị trường.

Trước thực trạng này, các chủ trang trại ở Đông Nam Bộ đã tìm hướng đi mới cho chăn nuôi. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, những năm vừa qua, do giá cả bấp bệnh của thị trường, và có rất nhiều chủ trang trại ở địa phương này đã đầu tư hàng chục tỷ để chăn nuôi gia cầm, nhưng vì giá cả quá bấp bênh dẫn đến thua lỗ nên họ đã phá sản. Sau nhiều lần chịu thua lỗ nặng nề do đầu ra bấp bênh, các chủ trại gà tư nhân ở Đồng Nai phần đông chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi. Hình thức nuôi này không mang lại lợi nhuận cao, nhưng đổi lại, người chăn nuôi sẽ không phải lo lắng về giá cả thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và đầu ra cho con gà, bởi tất cả những điều này đều được các công ty lo liệu. Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là một ví dụ, hiện tại địa phương này có trên 100 trại gà thì 92% số trại này áp dụng hình thức nuôi gia công.

Tuy nhiên, việc nuôi gia công cho các công ty cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu cho các chủ trang trại chăn nuôi, bởi vấn đề mà các chủ trang trại chăn nuôi đang hết sức lo ngại khi Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương thời gian tới, mà họ chưa kịp chuẩn bị đủ những điều kiện để tham gia “sân chơi” mới này. Lúc đó, thuế suất các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ rõ hơn. Trên thực tế, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật. Trong các yếu tố trên, người chăn nuôi gà chỉ có lợi thế ở nhân công giá rẻ, còn các khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Đặc biệt, đối với nguồn con giống gà lông trắng công nghiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ người chăn nuôi thoát khỏi cảnh càng nuôi càng lỗ như hiện nay.

Nguồn ĐCS

  • Từ khóa
39151

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu