Thứ 6, 19/04/2024 16:43:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:37, 17/09/2019 GMT+7

Chung tay chăm sóc trẻ em - Bài cuối

Thứ 3, 17/09/2019 | 06:37:00 531 lượt xem
BP - Cùng với đẩy mạnh các giải pháp đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em, thực hiện đồng bộ công tác chăm sóc, bảo vệ, tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng các sân chơi bổ ích cho thiếu nhi rèn luyện và học tập. Từ những sân chơi này, các em đã tham gia nhiều phong trào có ích như: “Nghìn việc tốt”, “Nhặt được của rơi trả người bị mất”, “Áo trắng tặng bạn”, “Xe đạp 1.000 đồng”... Qua đó, giúp các em biết yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với những người xung quanh; đồng thời sớm hình thành những suy nghĩ tích cực, sống có ước mơ, hoài bão và phấn đấu học tập trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

ƯƠM MẦM XANH CHO ĐẤT NƯỚC

NHIỀU SÂN CHƠI BỔ ÍCH

Để chăm sóc “mầm non tương lai” của đất nước, những năm qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chính sách chăm lo, tạo sân chơi bổ ích cho các em. Tiêu biểu như ngành văn hóa, thể thao và du lịch chú trọng đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi và lắp đặt các công trình thể dục thể thao tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Hiện 111/111 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, trong đó có 46/111 trung tâm đạt chuẩn (khu thể thao trên 1.500m2; bàn, ghế, âm thanh, tủ sách pháp luật...) theo quy định; 853/861 thôn, ấp có nhà văn hóa, hội trường. Các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em.

Để cổ vũ tinh thần, khích lệ thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh hăng say tập luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành GD-ĐT còn tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao thu hút đông trẻ em tham gia như: Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng; giải karate các lứa tuổi; vô địch võ cổ truyền; đại hội thể dục thể thao; hội thao quốc phòng và an ninh... Đặc biệt, tỉnh còn tạo điều kiện cho các em có năng khiếu thể dục thể thao tham gia các giải đấu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Tiêu biểu như em Nguyễn Ngọc Bảo Lam, lớp 3, Trường tiểu học Tiến Hưng (Đồng Xoài) là học sinh xuất sắc lại đam mê võ cổ truyền. Sau 2 năm học lớp võ phong trào tại trường, Lam được Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, trường tạo điều kiện cho tham gia các giải đấu cấp tỉnh, khu vực và đạt thành tích cao. Cụ thể, năm 2019, Lam đoạt 1 huy chương vàng giải võ cổ truyền Trường Tôn Đức Thắng mở rộng; 2 huy chương bạc giải vô địch võ cổ truyền do tỉnh tổ chức và giải mừng Đảng, mừng xuân do tỉnh Bình Dương tổ chức; 1 huy chương đồng giải trẻ toàn quốc. Đặc biệt, mới đây Lam lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ” với tiết mục biểu diễn võ cổ truyền. Với những thành tích đã đạt, Lam đang được chọn bổ sung vào đội tuyển năng khiếu võ cổ truyền tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước truy tặng em Trần Đức Đông, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Long Tân (Phú Riềng) đã quên mình cứu bạnPhó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước truy tặng em Trần Đức Đông, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Long Tân (Phú Riềng) đã quên mình cứu bạn

Trong hơn 303.000 trẻ em của tỉnh thì khoảng 90% trẻ ở độ tuổi đi học. Nhằm tạo môi trường vừa học vừa chơi, những năm qua Tỉnh đoàn đã phối hợp ngành giáo dục tổ chức nhiều sân chơi bổ ích như: Tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc; cuộc thi tìm hiểu về sự nghiệp và thân thế Bác Hồ; viết thư cho các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, các trường học còn tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; duy trì hoạt động “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”... Qua đó, giúp các em được giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống cần thiết, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo.

LAN TỎA PHONG TRÀO LÀM VIỆC TỐT

Hiện nay, hầu khắp các trường học, nhất là trường cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn tỉnh đều triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” phù hợp lứa tuổi học sinh. Nội dung, hình thức phong phú, đổi mới, như: Khuyến khích thiếu nhi giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao chất lượng phong trào “Đôi bạn cùng tiến”; góp tiền ủng hộ thiếu nhi vùng bị thiên tai thông qua chương trình “Vở tặng bạn vùng lũ”; tích cực tham gia xây dựng “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, sử dụng vật liệu tái chế làm khu vui chơi. Qua đó, giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tinh thần sẻ chia khó khăn với bạn bè.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã thực hiện 129 công trình từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại các liên đội trường với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Học sinh trên địa bàn huyện Lộc Ninh thực hiện nuôi heo đất được tổng 300 triệu đồng. Huyện Hớn Quản vận động các nhà hảo tâm được hơn 850 triệu đồng trao học bổng và quà dịp đầu năm học tặng học sinh nghèo vượt khó; trao 38 xe đạp tặng 38 em có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 57 triệu đồng và nhận đỡ đầu 4 em với 300 ngàn đồng/tháng/em. Huyện Bù Đốp, từ phong trào kế hoạch thu gom vỏ lon bia, nước ngọt và phế liệu tại các liên đội trường học đã quyên góp được hơn 45 triệu đồng. Số tiền này Huyện đoàn Bù Đốp đã xây 1 nhà khăn quàng đỏ cho học sinh nghèo và làm 3 khu vui chơi, 6 khuôn viên trồng hoa bằng lốp xe ôtô tại các trường học.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Lê Thị Hồng Phấn cho biết: Để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc phong trào “Kế hoạch nhỏ”, UBND tỉnh và Hội đồng Đội tỉnh đã tặng bằng khen, kỷ niệm chương cho 25 tập thể và 35 cá nhân tiêu biểu trong năm học 2018-2019. Hội đồng Đội tỉnh còn trao tặng “Công trình măng non” với 6 bộ trống cho 6 đơn vị trường học, tổng trị giá gần 20 triệu đồng và 10 suất học bổng cho học sinh trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, mỗi suất 500 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh còn được các trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, tính trung thực, thật thà, dũng cảm thông qua phong trào “Nghìn việc tốt”. Từ phong trào này, năm học 2018-2019, huyện Phú Riềng có 325 học sinh nhặt được của rơi như: tiền, điện thoại, sách, tập, nón... trả lại người mất. Huyện Chơn Thành có 560 học sinh được nêu gương người tốt, việc tốt. Đồng Phú tuyên dương 31 gương học sinh làm việc tốt, có hành động đẹp. Tiêu biểu như em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 5A2, Trường tiểu học Tân Thành A (Bù Đốp) trên đường đi học về nhặt được 4 chỉ vàng cùng 1 sợi dây chuyền vàng. Ngay sau đó, em đã báo gia đình, nhà trường và chính quyền xã tìm người đánh rơi để trả lại. Đặc biệt, hành động dũng cảm quên mình cứu bạn của em Trần Đức Đông vào năm 2017 (năm đó Đông 10 tuổi, học sinh lớp 2, Trường tiểu học Long Tân, huyện Phú Riềng) khiến mọi người cảm mến, nể phục, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm; Hội đồng Đội Trung ương truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Cô Nguyễn Thị Được, Tổng phụ trách Liên đội Trường THCS Nguyễn Du (Phú Riềng) cho biết: Trung bình 1 năm, trường có khoảng 100 học sinh nhặt được của rơi trả lại người mất. Tiêu biểu như em Nguyễn Tấn Hải, học sinh lớp 9A4 nhặt được chiếc bóp, trong đó có khoảng 10 triệu đồng tiền mặt và các giấy tờ tùy thân. Sau khi nhặt được, Hải đã tìm người bị mất để trả lại tài sản. Hay em Nguyễn Hữu Hạnh Phúc, học sinh lớp 9A1 trên đường đi học về nhặt được chiếc điện thoại Iphone 6. Em đã đến Công an xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng trình báo và giao nộp để trả lại người bị mất. Những hành động đó cho thấy các em đã hình thành thói quen tốt, rèn luyện đạo đức, lối sống tích cực, lành mạnh.

Thùy Hương

  • Từ khóa
94622

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu