Thứ 6, 29/03/2024 02:46:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:27, 02/09/2020 GMT+7

Chủ tịch Hồ Chí Minh - ''Kiến trúc sư'' của nước Việt Nam mới

Nguồn Hà Nội Mới
Thứ 4, 02/09/2020 | 07:27:00 308 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngày 16-11-1959. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi

1. Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, khi tất cả các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta đều bị dìm trong bể máu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không thể đi theo con đường của các vị tiền bối. Vì thế, Người rời Tổ quốc tìm đường cứu nước và đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Tiếp đó, bằng các hoạt động về lý luận và thực tiễn, Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng được thông qua đầu năm 1930 đã khẳng định rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Với chủ trương, đường lối đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, phát triển cách mạng trong nước ngày một phát triển. Cuối tháng 1-1941, Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh…

Giữa tháng 8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, quân Nhật ở Đông Dương hoang mang… Cơ hội nghìn năm có một và quyết tâm “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Song theo Người, “không phải Nhật bại là nước ta được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền độc lập hoàn toàn”. Trên tinh thần đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-8-1945) ở Tân Trào quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã chớp thời cơ, nhất tề vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Làn sóng cách mạng, sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt mọi sự kháng cự và xóa bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, thành lập chính quyền cách mạng ở Việt Nam.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 đã thành công. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); đồng thời, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

2. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đã bị thực dân Pháp phá bỏ, khi chúng quay trở lại xâm lược Nam Bộ, khi những nhân nhượng để bảo vệ nền hòa bình của Người, của nhân dân Việt Nam đã bị cố tình chối bỏ và vượt quá giới hạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm cùng đồng bào toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, thắng lợi của trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, Mỹ và tay sai đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam, vì thế, hòa bình mới chỉ có ở miền Bắc, còn ở miền Nam đồng bào ta lại tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng.

Tiếp tục phát huy nguồn sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân trong những năm đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ đoàn kết; truyền đến cho đồng bào cả nước ý chí và niềm tin về một đất nước Việt Nam thống nhất.

Thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và lời dặn “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Miền Nam đã được giải phóng, hai miền Nam Bắc đã “sum họp một nhà”. Cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp nối hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cả nước đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng vượt qua khó khăn về mọi mặt sau những năm dài chiến tranh. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế được khởi xướng từ năm 1986 đã trải qua được hơn 1/3 thế kỷ.

75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... đã góp phần tạo dựng một diện mạo mới của Việt Nam, một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Những đóng góp và nỗ lực đầy trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam trong khu vực và cộng đồng quốc tế; trong tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19… càng làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao cùng những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Những tư tưởng của Người đã, đang và sẽ nâng bước cho non sông đất nước mãi trường tồn!

  • Từ khóa
35040

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu