Thứ 5, 25/04/2024 07:36:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:40, 07/03/2020 GMT+7

Chủ động ứng phó “giặc lửa”

Quang Minh
Thứ 7, 07/03/2020 | 08:40:00 561 lượt xem
BPO - Đang là đỉnh điểm mùa khô 2020, nắng ở miền Đông Nam bộ, nhất là Bình Phước luôn gay gắt. Nhiều nơi đã lâu ngày không mưa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rất lớn. Nhận thức được tầm quan trọng của phòng cháy chữa cháy, Nông trường Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng luôn chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, nhân - vật lực sẵn sàng ứng phó với “giặc lửa”.

Sáng tạo trong  phòng cháy

Tháng 1 dương lịch hằng năm là thời điểm cao su thay lá. Lá rụng đồng loạt, phủ dày trên mặt đất. Đây cũng là khoảng thời gian công nhân ngừng thu hoạch mủ, vệ sinh vườn, dưỡng cây và tập trung phòng, chống cháy. Vì lượng lá rụng quá nhiều, diện tích lớn liền canh nên công nhân thường dùng máy phát cỏ, chế lưỡi phát thành cánh quạt để thổi, gom lá thuận tiện hơn. Lá được thổi thành từng luống ở giữa 2 hàng cây, tạo ra những khoảng trống cách gốc cây an toàn.

Các lô cao su của Nông trường Nghĩa Trung thường xuyên được thổi lá tạo đường ranh cản lửa gọn gàng, sạch sẽ

Thấy hầu hết công nhân đều gom lá bằng biện pháp này, dù đã cải thiện rất nhiều so với quét lá thủ công, tuy nhiên vẫn còn nhiều vất vả, tốn nhiên liệu và hiệu suất chưa cao, năm 2018, anh Phạm Trọng Lê (SN 1982), công nhân tổ 11, đã tìm hiểu và tự chế máy thổi lá vận dụng từ chiếc máy cày của gia đình. Máy thổi lá hoạt động nhờ sử dụng động cơ của máy cày truyền lực sang quạt thông qua hệ thống trục quay buluy và dây curoa. Căn cứ vào công suất của máy cày và vòng quay của hệ thống, anh Lê mua tôn cứng, sắt lá cắt hàn thành cánh quạt. Quạt được thiết kế trong hộp tôn bịt kín, có vòi thổi gió về một bên. Ngoài ra, quạt còn được thiết kế hệ thống giá đỡ có thể điều chỉnh độ cao, thấp bằng tăng-đơ chắc chắn, phù hợp mọi địa hình. Anh Lê so sánh, dùng máy thổi lá được chế từ máy phát cỏ thì mỗi người 1 ngày chỉ thổi được khoảng từ 3-4 ha, nhưng máy quạt do anh tạo ra 1 ngày có thể thổi từ 25-30 ha. Chính vì tiện ích như vậy nên ngay vụ 2019, anh Lê đã nhận khoán thổi lá cho nhiều công nhân với tổng diện tích khoảng 200 ha. Nông trường trả công cho công nhân như thế nào thì anh nhận giá đó. Thổi lá xong, anh lại tháo quạt và sử dụng máy cày để cày xới và chở nông sản. Anh Lê chia sẻ thêm: “Vì tính tiện ích cao nên tôi đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện máy với chất lượng hơn nữa. Đồng thời, ai có nhu cầu áp dụng cách làm này tôi sẽ phổ biến nhân rộng”.

Ngoài tập huấn, tuyên truyền, chúng tôi xây dựng nhiều phương án phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn mùa khô. Trong đó có nhiều tình huống giả định cháy rừng cao su ở các cấp độ nguy hiểm khác nhau nhằm rèn luyện khả năng ứng phó với “giặc lửa” của toàn bộ lực lượng. Từng cán bộ, nhân viên, công nhân, người lao động phải thông thuộc địa bàn, nắm được những thuận lợi, khó khăn từng khu vực, xác định được chức năng, nhiệm vụ của mình để linh hoạt xử lý tình huống. Vì vậy nhiều năm qua nông trường chưa xảy ra vụ cháy nào.

Giám đốc Nông trường Nghĩa Trung  Bùi Thiện Hậu

Phó giám đốc Nông trường Nghĩa Trung Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Với phương pháp giao công nhân khai thác mủ  lô nào có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ an toàn lô đó, mỗi công nhân đều phải tự sắm các dụng cụ, phương tiện để thổi, quét lá, dập lửa và là hạt nhân nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Do đó, những năm qua, nhiều công nhân đã sáng tạo trong lao động, sản xuất, đặc biệt là sáng kiến chế tạo máy quạt thổi lá phòng cháy của anh Phạm Trọng Lê được nông trường đánh giá cao và đưa vào áp dụng”.

Sẵn sàng ứng phó “giặc lửa”

Chúng tôi tới thăm Tổ sản xuất số 4 thuộc thôn 3, xã Đức Liễu (Bù Đăng) gần trưa một ngày đầu tháng 3. Nắng tuy không quá gay gắt như vài ngày trước, nhưng những thảm lá khô trong vườn cây đã giòn, mục nằm ẹp xuống đất. Cán bộ, nhân viên nơi đây luôn thường trực phòng cháy, chữa cháy với tinh thần cao. Tại trụ sở nhà tổ 4, một số nhân viên bảo vệ đang kiểm tra bình chữa cháy, đồng thời hướng dẫn nhau cách sử dụng để dập lửa. Ông Nguyễn Hải Quân, Trưởng bảo vệ nhóm 1 cho biết: “Các nhóm bảo vệ chịu trách nhiệm gác phòng cháy, chữa cháy. Mỗi điểm gác chúng tôi bố trí 2 người/ngày. Tùy điều kiện mà các nhân viên bảo vệ có thể linh hoạt thay, luân phiên nhau trực gác theo từng khu vực, có sổ sách đăng ký theo dõi, phân công ca, kíp rõ ràng. Tất cả đều phải biết sử dụng các dụng cụ, phương tiện chữa cháy”.

Ông Lê Văn Bảo, nhân viên bảo vệ tổ 4 nói: “Nhóm chúng tôi quản lý, bảo vệ khoảng 600 ha. Trong đó có một số diện tích giáp 2 sóc đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức người dân trong việc phòng cháy chưa cao. Do vậy, hằng ngày, anh em thường gặp gỡ, tuyên truyền người dân quét dọn sạch sẽ, tạo ranh cản lửa giữa vườn rẫy của gia đình và lô cao su. Mùa nắng không nên đốt lá giữa trưa vì gió lớn sẽ cuốn lửa cháy lây lan. Khu vực này cũng có các đối tượng thanh niên hư hỏng, nghiện hút. Lợi dụng đêm khuya, các đối tượng vào lô cao su đốt lửa ăn nhậu, hút thuốc lá nên nguy cơ cháy xảy ra rất cao. Chúng tôi phải thường xuyên đi tuần, kiểm tra nhắc nhở không để người lạ vào lô, phòng xảy ra sự cố”.

Ở một số nơi, người ta đã chế quạt theo kiểu tương tự nhưng hạn chế của họ là dùng hệ thống xích tải và bánh răng, độ bền và an toàn chưa cao. Quạt còn gây tiếng ồn lớn, thổi lá không sạch. Trong khi tôi dùng hệ thống dây curoa và buluy, vòng quay nhanh, êm, bền, an toàn, đặc biệt thổi lá rất sạch.

Anh Phạm Trọng Lê,
công nhân Nông trường  Nghĩa Trung

Vườn cây của Nông trường Nghĩa Trung rải rác trên địa bàn 23 thôn, sóc thuộc 6 xã của 3 huyện Bù Đăng, Đồng Phú và Phú Riềng. Đây là đơn vị có địa bàn manh mún, phức tạp, nhiều khó khăn hơn trong công tác quản lý, bảo vệ so với các nông trường thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Ông Cao Ngọc Hào, Trợ lý bộ phận thanh tra, bảo vệ, quân sự nông trường cho biết: Ngoài trách nhiệm của từng công nhân trong tự bảo vệ cây của lô mình khai thác, nông trường xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ gồm 12 tổ với 47 người, được bố trí 21 điểm gác. Đơn vị được trang bị phương tiện chữa cháy gồm 18 bình CO2 loại khô 10kg; 14/14 nhà tổ sản xuất và các nhà nhập mủ được trang bị giếng khoan; máy bơm xịt nước di động; nhiều chổi, vỉ dập lửa và một số dụng cụ khác. Hằng năm, các lực lượng đều được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Nông trường còn phối hợp chính quyền các xã, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân sống gần lô cao su nâng cao trách nhiệm trong đảm bảo an toàn vào mùa khô, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác phòng, chống cháy nổ cũng như đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

  • Từ khóa
94685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu