Thứ 6, 19/04/2024 18:44:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:45, 26/01/2020 GMT+7

Cho hôm nay và muôn đời sau

Quang Minh
Chủ nhật, 26/01/2020 | 13:45:00 275 lượt xem
BPO - Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh. Vượt trên 80km từ thành phố Đồng Xoài tới xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng bằng xe máy khiến chân, tay tôi tê cóng. Tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, được vào rừng nghe tiếng thú kêu, chim hót, ngắm những đàn bướm bay rập rờn với đủ màu sắc sặc sỡ giữa ngàn hoa..., tôi càng hiểu vì sao người dân nơi đây lại gắn bó với rừng. Từ tình yêu đối với rừng, các cộng đồng dân cư 2 xã Đồng Nai và Phú Sơn đã ký hợp đồng với lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ, góp phần làm cho rừng ngày càng xanh tươi.

Bức tranh đa sắc MÀU

Năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng bắt đầu thực hiện việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng gồm 32 hộ dân, chủ yếu là đồng bào S’tiêng, Mơnông ở thôn 5, xã Đồng Nai với tổng diện tích 808 ha. Bình quân mỗi hộ quản lý, bảo vệ 25,25 ha. Anh Điểu Thâm (SN1983), trưởng cộng đồng nhận khoán, cho biết: “Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả, chúng tôi xây dựng quy chế hoạt động được lãnh đạo Ban quản lý rừng phê duyệt. Tổ trưởng lập danh sách chủ hộ, số điện thoại, phân công các ca trực đảm bảo hợp lý. Cộng đồng chia làm 8 tổ, mỗi tổ 4 người hằng ngày trực và tuần tra, bảo vệ tại 2 tiểu khu 196 và 188. Bình quân mỗi hộ trực từ 3-4 ca/tháng, mỗi ca trực 1 ngày”.

Rừng phòng hộ còn nhiều cây gỗ quý được cộng đồng bảo vệ chặt chẽ

Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, băng qua các lô cao su của người dân và của Công ty cổ phần đầu tư Quỳnh Vy dẫn chúng tôi tới Tiểu khu 196. Cao su mùa thay lá, cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Tới bìa rừng, không khí dễ chịu hẳn bởi bạt ngàn cây xanh. Tiếng hót của các loài chim khiến cánh rừng thêm sôi động. Hôm nay, chốt có 3 người trực là các anh Điểu Tư (1981), Điểu Thương (1979) và Điểu Hoàng (1980). Khi chúng tôi đến chốt thì anh Hoàng cũng vừa từ trong rừng trở ra, dù trời lạnh nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhại. Trò chuyện về công việc, anh Hoàng cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi đi tuần tra từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Dụng cụ mang theo là một cây gậy để chống và một con rựa phát những cành cây xòa ra lối mòn. Chúng tôi phải kiểm tra toàn bộ khu vực quản lý, quan sát xem có dấu chân hoặc vết xe nào chạy vào rừng hay không. Mùa này, đồng bào vẫn vào rừng hái lá nhíp, đọt mây để bán. Có người vào hái lá dong để gói bánh chưng, câu cá tại sông Đồng Nai, bắt ong lấy mật. Khi gặp họ, chúng tôi phải tuyên truyền, nhắc nhở chỉ được hái lá nhíp, không nhổ cây về trồng; chỉ được chặt đọt mây chứ không phá bụi; những người lấy mật ong rừng phải tuyệt đối cấm mang lửa và cưa máy để tránh xâm hại đến rừng”.

Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý trên 44.000 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, 18.558,04 ha đất rừng phòng hộ và 21.548,74 ha đất rừng sản xuất. Diện tích rừng tự nhiên phần lớn xen kẽ, kế cận vườn rẫy của người dân, nhiều diện tích giáp đường nên công tác quản lý, bảo vệ đôi lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo ban tham mưu UBND huyện phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, triển khai ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư thôn 5, xã Đồng Nai và thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn thì công tác bảo vệ, phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Điểu Thương, trưởng ca trực hôm nay ở lại canh chốt và nấu cơm, cho biết: “Vì gắn bó với rừng từ nhỏ nên chúng tôi biết khu vực nào có cây gỗ quý, khu vực nào có thú rừng, từ đó xây dựng các phương án bảo vệ. Rừng còn rất nhiều gỗ quý như giáng hương, gõ đỏ, bằng lăng. Nhiều cây dầu đỏ thân to, thẳng tắp cao 15-20m trông rất đẹp, có những cây cổ thụ thân to cả 2 người ôm không hết. Thú hoang cũng còn nhiều, có cả hổ, gấu, voọc, heo rừng, chồn, khỉ... nhưng thường ở sâu trong rừng”.

Để được trải nghiệm cảm giác sống với rừng, chúng tôi đi bộ theo lối mòn vào tận bên trong. Càng vào sâu, rừng càng rậm rạp, huyền bí. Tiếng nói chuyện của các thành viên qua các vạt rừng dày đặc như bức tường nghe vang vọng. Tại những đầm nước có ánh sáng lọt vào, rất nhiều ong rừng tìm về làm tổ. Vài con thú rừng cũng tới uống nước để lại dấu chân. Mùa này, nhiều loại hoa rừng thi nhau khoe sắc, từng đàn bướm với hàng ngàn con bay rập rờn khiến cảnh rừng đẹp như một bức tranh.

cho mùa xuân thêm xanh

Năm 2019, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng tiếp tục giao thêm 468 ha cho cộng đồng thôn 5, nâng tổng diện tích của cộng đồng quản lý, bảo vệ lên 1.276 ha. Số hộ được nhận khoán cũng tăng từ 32 lên 45 hộ. Do những bất cập trong việc giao từng hộ bảo vệ độc lập nên lãnh đạo ban cắt hợp đồng và chuyển toàn bộ diện tích của những hộ nhận khoán năm 2017 giao cộng đồng thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn quản lý, bảo vệ với tổng diện tích 333 ha.

Ông Nguyễn Chí Linh, Trưởng cộng đồng thôn Sơn Tân, cho biết: Trong 11 hộ thành viên có 7 hộ dân tộc Mơnông, các hộ này đều có rẫy ở ngay bìa rừng. Do vậy, những ai ra, vào rừng giờ nào, làm gì, các thành viên nắm rất rõ. Người ngoài ít ai hiểu rừng bằng “lâm tặc” hoặc từng là “lâm tặc”. Chính vì vậy, chúng tôi tham mưu ban quản lý ký hợp đồng với chính những người này. Từng là đối tượng khai thác rừng trái phép, bị cơ quan chức năng theo dõi, giám sát thì nay chính họ lại trở thành người có trách nhiệm bảo vệ và ngày càng gắn bó với rừng.

Ông Trần Bá Liêm, Trưởng chốt quản lý, bảo vệ rừng Bù Chốp, xã Đồng Nai, cho biết: Số nhân viên của chốt rất ít, trong khi diện tích quản lý quá lớn. Từ khi thực hiện giao khoán thì công việc được chia sẻ rất nhiều, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, không còn trường hợp lâm tặc vào rừng đốn hạ cây gỗ quý, không có người đi săn bắn thú rừng. Công tác phòng, chống cháy rừng cũng đảm bảo an toàn. Những phuy nước dự trữ trong rừng giao cho cộng đồng bảo quản và sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra. Nhiều năm qua không xảy ra cháy rừng. Năm 2018, chỉ xảy ra 3 vụ nhổ 3.000 cây nhíp về trồng và 1 vụ khai thác lâm sản trái phép, nhỏ lẻ. Năm 2019, chỉ xảy ra 1 vụ khai thác gỗ tạp trái phép. Đặc biệt là tình trạng các đối tượng khai thác vàng sa khoáng hoạt động lén lút trong nhiều năm qua, nay đã được truy quét, trả lại sự ổn định cho rừng.

Những ngày giáp tết Nguyên đán, có dịp vào rừng hoặc đứng giữa trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, được hít thở không khí trong lành của những cánh rừng bạt ngàn, ngắm những cánh hoa mua nở tím bên dòng thác Voi và bàu Lạch, nghe âm thanh của đại ngàn qua tiếng chim, thú, chúng tôi mới thấy hết những giá trị của rừng. Để gìn giữ “lá phổi xanh”, càng trân trọng hơn công việc thầm lặng của cộng đồng và những người làm công tác quản lý, bảo vệ nơi đây, góp phần làm cho rừng mãi mãi xanh tươi.

Giao khoán cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng là chủ trương đúng đắn, vừa tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ, vừa nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Hiện các cộng đồng quản lý được hưởng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 484.791 đồng/ha/năm và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 với mức chi trả 400.000 đồng/ha/năm. Bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận khoán có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Để công tác quản lý được tốt hơn, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành tiếp tục phát huy vai trò phối hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh; Nhà nước cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ các cộng đồng để công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng Lê Hùng

  • Từ khóa
94148

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu