Thứ 3, 19/03/2024 12:41:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:40, 14/07/2012 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: Phải có quyết tâm chính trị cao

Thứ 7, 14/07/2012 | 13:40:00 2,495 lượt xem

(Đồng chí Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Phước)

Phóng viên: Thưa đồng chí, Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã và đang được triển khai thực hiện trong toàn Đảng. Là một cán bộ lãnh đạo lâu năm của tỉnh, xin đồng chí cho biết những vấn đề mà nghị quyết đề cập rất “trúng” với tình hình của tỉnh ta hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật (trái) trao đổi với phóng viên Báo Bình Phước

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật: Công tác xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng có tốt thì Đảng mới đủ sức gánh vác nhiệm vụ chính trị mà dân tộc giao phó. Chính vì vậy, Đảng ta qua từng thời kỳ đều có nghị quyết về vấn đề tổ chức, xây dựng Đảng. Gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII xác định 10 vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Lần này, xuất phát từ tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Đảng, đồng thời tiếp tục công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế... Trung ương đã có Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đi sâu vào 3 nội dung là: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Trong 3 nội dung đó, nội dung nào với tỉnh Bình Phước tôi thấy cũng rất cần thiết. Đảng ta đặt ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, trong đó có Đảng bộ Bình Phước. Nói “bây giờ Bình Phước có vấn đề về tham nhũng tiêu cực” không? Tôi cho rằng là “có”. Rồi vấn đề về đội ngũ cán bộ, việc phân rõ lằn ranh trách nhiệm còn có nhiều vấn đề, nhất là trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng. Một phần là do cơ chế, phần thứ hai là việc quy định trách nhiệm giữa cái chung, cái riêng, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng. Cái được thì “do ông nọ, bà kia” nhưng khi có khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể. Điều này đã lâu rồi chưa sửa chữa được. Vì vậy, Đảng ta chỉ rõ: Có những khuyết điểm mà nhiều nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa sửa được, lần này phải sửa bằng được và làm đến nơi đến chốn.

Phóng viên: Để Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đi vào cuộc sống, theo đồng chí vấn đề cốt lõi là gì?

Nếu trên nghiêm túc thì dưới đàng hoàng; trong nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh thì ngoài xã hội không có vấn đề phức tạp

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật: Theo tôi, việc đầu tiên là phải tổ chức, quán triệt đến từng tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên phải tham gia học tập, nghiên cứu một cách đầy đủ, nghiêm túc, tránh tình trạng như trước đây việc học tập, nghiên cứu các nghị quyết của Đảng còn qua loa, chiếu lệ. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm tạo cho đảng viên nhận thức đúng về các nội dung của nghị quyết. Trung ương đánh giá mặt mạnh thì đã quá rõ rồi, vì vậy việc tổ chức nghiên cứu học tập và xây dựng kế hoạch thực hiện phải hết sức khoa học và nghiêm túc. Xuất phát từ tình hình thực tế, tình hình chi, đảng bộ mình, các tổ chức cơ sở đảng phải có chương trình hành động hết sức cụ thể, thiết thực. Thứ hai là vấn đề kiểm điểm, với yêu cầu là “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” thì phải kiểm điểm và ngăn chặn cho được vấn đề này, đó là yêu cầu cấp bách đặt ra. Nếu chúng ta làm tốt các bước, với quyết tâm chính trị cao thì nhất định sẽ ngăn chặn được sự “suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”. Cụ thể là các vấn đề như chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm với công việc được giao... những cái đó là thể hiện cụ thể của suy thoái. Tiếp theo là việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo tôi công tác này phải làm từ tỉnh đến các huyện, thị; từ tỉnh ủy đến các cơ sở đảng. Thực tế cho thấy, “chức vụ càng lớn nếu có sai lầm thì ảnh hưởng càng to”. Do vậy phải kiểm điểm từ trên xuống, kiểm điểm từ trong lãnh đạo Đảng đến đảng viên. Chính vì vậy, lần này trung ương đặt vấn đề phải làm từ trên xuống. Trước khi kiểm điểm phải lấy ý kiến các tổ chức liên quan, trong đó có Mặt trận, các đoàn thể quần chúng... và những cán bộ, đảng viên đã về hưu. Khi kiểm điểm xong thông báo đến các cơ quan đoàn thể, những người góp ý kiến để tham khảo thêm. Nơi nào kiểm điểm chưa nghiêm túc phải kiên quyết làm lại.

Phóng viên: Theo đồng chí, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, mỗi đảng viên phải làm gì?

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật Tôi cho rằng điều quan trọng bậc nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tự giác. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì từng cán bộ, đảng viên phải thấy rõ những yếu kém, khuyết điểm của mình để mà khắc phục, sửa chữa. Đảng ta cho rằng, nếu không khắc phục được sự suy thoái trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” thì sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước, dân tộc. Vì vậy trước tiên đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc với bản thân mình. Nếu nói chống tiêu cực mà bản thân mình không “chống” mình (tự phê bình - PV) thì người khác khó mà “chống” (phê bình - PV) cho mình! Vì vậy, trước hết mỗi đảng viên phải có tính tự giác cao, phải thấy sai lầm, khuyết điểm của mình để sửa cho bằng được. Nếu được như vậy, cùng với sự góp ý của đồng chí, của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ phát huy được mặt mạnh, khắc phục những yếu kém, xứng đáng là vai trò hạt nhân lãnh đạo của các phong trào cách mạng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Tiến Bình (thực hiện)

  • Từ khóa
1240

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu