Thứ 6, 29/03/2024 05:32:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:54, 16/04/2020 GMT+7

Chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch

Hồng Ánh
Thứ 5, 16/04/2020 | 15:54:00 445 lượt xem
BPO - Bình Phước sau nhiều tháng nắng hạn kéo dài đã có những cơn mưa đầu mùa “giải nhiệt”. Tuy nhiên, mưa kèm theo gió giật mạnh dường như muốn hất tung mọi thứ trong các điểm chốt phòng dịch ở biên giới, kèm theo đó là muỗi, vắt, bọ đen, kiến… khiến các chiến sĩ bám chốt càng thêm vất vả.

Chúng tôi đến Đồn biên phòng Lộc Thiện sau những cơn mưa đầu tiên, anh em ở các chốt người đi tuần tra, người ở nhà dựng lại lán. Mồ hôi nhễ nhại, Đại úy Nguyễn Văn Quân, Chính trị viên phó cho hay, đêm qua mưa lớn kèm theo gió mạnh đã cuốn bay mọi thứ ở chốt. Anh em đã có một đêm thức trắng để chống chọi với mưa gió. Đêm thường là thời gian “cao điểm” các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy chế biên giới nên anh em dù ướt, lạnh và mệt vẫn quyết bám chốt.

Các chiến sĩ tại điểm chốt số 6 của Đồn biên phòng Lộc Thiện lợp lại mái lán sau khi bị gió hất tung

Đúng lúc này Trung úy Trần Tuấn Anh chạy xe máy về tới điểm chốt chở theo một bó lá buông. Anh Quân đỡ lấy bó lá buông rồi cùng anh em tiếp tục công việc lợp mái lán. Còn Trung úy Tuấn Anh chạy vội đi trở đồ đang phơi. Anh vừa làm vừa nói với tôi: “Đêm qua mưa ướt hết, giờ phải tranh thủ phơi cho khô, nếu không đêm nay sau ca gác lại không thể ngủ”. Trước mắt chúng tôi là một dây phơi tự chế với các loại từ võng, chăn, màn đến chiếu gối của 4 người trong điểm chốt. Qua lời kể của các chiến sĩ tại điểm chốt, hôm đầu tiên do mưa bất ngờ, anh em không “phòng bị” nên ướt từ người đến chăn mền, chiếu gối và củi lửa không nấu được cơm. Đơn vị phải cử người mang cơm từ đồn ra từng điểm chốt cho anh em, cũng may vẫn còn áo mưa để che.

“Mưa mấy hôm, anh em phải mặc đồ ướt là bình thường vì phơi đâu có kịp khô” - anh Quân cười nói và chia sẻ thêm về việc lợp mái lán bằng lá buông thì sẽ đỡ nóng hơn rất nhiều, song để lấy được lá buông cũng không dễ dàng. Chứng minh thêm, Trung úy Tuấn Anh kéo tay áo cho tôi xem những vết thương do gai đâm, lá cắt và kiến cắn để lại. “Muốn lợp được phải chọn lá to, đều, sau khi đuổi kiến đi hết rồi mới chặt được, sau đó loại bỏ hết gai” - Trung úy Tuấn Anh nói.

Dưới bàn tay của các chiến sĩ, những “ngôi nhà” lá buông được phủ bạt đã ra đời. Thế nhưng cũng chỉ có thể chống chọi được với những ngày nắng, khi mưa to, gió lớn là nguy cơ bị cuốn tốc mái ngay. “Mưa xuống sẽ giải quyết được nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng của người dân nên dù bộ đội chịu cực song ai cũng mong mưa” - đại úy Quân nói. Anh còn chia sẻ thêm, hiện tại vì hạn hẹp kinh phí nên ngoài khẩu trang, nước sát khuẩn, lương thực thực phẩm thì đơn vị mượn của nhà dân để đảm bảo thêm một số vật dụng thiết yếu như bể chứa nước, đèn năng lượng mặt trời, bình ắc-quy, đèn đội đầu. Ngoài ra, để cho anh em có thời gian được nghỉ ngơi, Ban chỉ huy đồn đã lên các chốt để thay ca gác.

Mưa xuống, ngoài khó khăn về nơi ăn ở, sinh hoạt, các chiến sĩ bám chốt còn đối mặt với muôn vàn khó khăn khác. Trung úy Lê Đình Tú, Đội trưởng vũ trang đang phụ trách tổ chốt số 1 của Đồn biên phòng Bù Gia Mập chia sẻ về những vấn đề gặp phải, đó là vắt rừng, kiến, mối, bọ đen, bọ muỗi và bọ cạp. Để tránh vắt vào lán trại, anh em dùng dầu nhớt xe đổ xung quanh lán; khi đi tuần tra ngoài dùng đồ bảo hộ thì phải thêm xà phòng cục chà xát vào quần áo và giày, mũ, còn cổ, mặt thì dùng dầu gió. Đuổi muỗi, bọ thì chỉ có dùng khói, vậy nên anh em trong chốt vẫn thường đùa nhau mùi khói ám vào từng chân lông, kẽ tóc, khi hết dịch có khi đi đâu mọi người cũng tưởng đem theo thịt xông khói...

 “Chúng tôi là những người lính bộ đội Cụ Hồ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua để cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đánh thắng “giặc dịch”, mang lại sự bình yên cho nhân dân”.

Đại úy Nguyễn Văn Quân, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Lộc Thiện khẳng định

Trong những chuyến đi đến các chốt phòng, chống dịch dọc tuyến biên giới, có nhiều câu chuyện khi anh em kể lại ai nấy đều cười sảng khoái, thế nhưng khi nghe chúng tôi lại cảm thấy nhói lòng. Đó là câu chuyện của Thiếu úy Nguyễn Thành Tài, đang thực hiện nhiệm vụ tại điểm chốt số 4 Đồn biên phòng Lộc Thành. Sau ca gác, tranh thủ ngủ thì anh có cảm giác nhột trên đầu nhưng vì mệt nên cũng mặc kệ. Sáng ra thấy nguyên một tổ kiến ở trên giường. Vì trời mưa, ướt đất nên kiến bò lên giường làm tổ, đẻ trứng. Đó là câu chuyện của những anh em tổ chốt của Đồn biên phòng Bù Gia Mập ôm chặt nhau ngủ để chống lại cái lạnh về đêm giữa rừng sâu. Và mong muốn của Trung úy Trần Tấn Lực, Đội trưởng vũ trang đang phụ trách chốt số 3 của Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu rằng, khi hết dịch sẽ ngủ một giấc thật say và sau đó xin nghỉ phép năm để về làm lễ ăn hỏi... Điều đó thật bình thường với chúng ta nhưng với họ thì đó là niềm mơ ước. Và còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện các chiến sĩ “gác lại tình riêng vì nhiệm vụ chung” như vợ sinh, con ốm, hoãn lễ đính hôn, không tổ chức đám cưới... vì mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người chiến sĩ biên phòng cắm chốt vẫn luôn lạc quan, biến khó khăn thành hành động, mỗi ngày họ vui niềm vui chung của đất nước khi đón nhận thông tin số ca dương tính với Covid-19 đã giảm, số người khỏi bệnh tăng lên. Bởi ở phía sau các anh luôn có hậu phương, gia đình, vợ con vẫn từng ngày dõi theo và có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của các cấp, ngành, toàn xã hội. 

  • Từ khóa
8194

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu