Thứ 6, 29/03/2024 11:56:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:33, 29/03/2011 GMT+7

Hoa lan không chỉ để… ngắm

Thứ 3, 29/03/2011 | 08:33:00 471 lượt xem

Những năm gần đây, nhu cầu trồng hoa lan đang phát triển mạnh; tuy nhiên, việc trồng lan gặp nhiều khó khăn do phải nhập khẩu giống từ nước ngoài về. Trước thực trạng này, năm 2007 Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đã tiến hành nghiệm thu và ứng dụng thành công đề tài khoa học về nhân giống phong lan bằng nuôi cấy mô tại Bình Phước. Từ đề tài này đã phát triển thêm một đề tài mới về nuôi cấy mô, nhân giống bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng ở tỉnh ta. Đó là công việc của nhà khoa khọc, còn với người trồng lan là thú chơi tao nhã trong hệ thống hoa và cây kiểng. Tuy nhiên, để thành công từ cây hoa lan thì người chơi cũng như người trồng phải hiểu về những đặc tính của loài hoa quý phái này.

Trồng lan - làm chơi ăn thiệt

Tại xã Minh Tâm (Hớn Quản) có một vườn hoa Lan rộng chừng 4 ha, được trồng trong nhà lưới. Đó là vườn hoa của Công ty Hoa Lan được trồng theo hướng chuyên nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Giống hoa lan mà công ty này trồng là giống Dendrobium và Mokara được nhập từ Thái Lan về, đây là những giống lan thích hợp trồng để kinh doanh. Hoa của giống này có các màu tím, đỏ, trắng, xanh, hồng, vàng và màu tím thâm. Việc trồng và chăm sóc hoa lan được công ty thực hiện trên cơ sở vừa áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên sau hơn 4 năm trồng vườn lan này có lợi nhuận khá cao mặc dù chi phí ban đầu là một số vốn không nhỏ, nhất là phần cây giống.

Chăm sóc cây lan giống

Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ quản lý của Công ty Hoa Lan cho biết: “Trồng hoa lan cũng gặp không ít khó khăn như bệnh tật, thiên tai, tác động khí hậu là điều không thể tránh khỏi. Nếu như phát hiện bệnh của cây sớm thì xử lý được, còn muộn là hết đường cứu chữa. Riêng thời tiết, mưa nhiều, hay nắng nóng nếu cây không chết cũng thì què quặt không phát triển được”. Tuy nhiên, trồng lan không khó nếu bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho cây phát triển. Các yếu tố quan trọng cho lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm và dinh dưỡng. Nếu thiếu ánh nắng mặt trời, cây lan sẽ vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công và khi ra hoa, hoa nhỏ và màu sắc không tươi… Nếu nắng gay gắt thì cây lan sẽ bị cháy hoặc thân khô dần rồi chết… Nắm được đặc tính này của lan, người trồng phải chủ động bố trí ánh sáng phù hợp cho lan bằng các lớp lưới che phủ. Mỗi dòng lan khác nhau, sẽ có quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa cũng khác nhau. Nếu được chăm sóc tốt chỉ sau 18 tháng lan bắt đầu ra hoa, cứ như thế theo chu kì 45 ngày một đợt ra hoa và kéo dài trong vòng 5 - 6 năm.

Hiện, Công ty Hoa Lan có 3 ha đất trồng lan đang thu hoạch, bình quân cắt cành khoảng 200-300 bó lan/ngày xuất xuống Thành phố Hồ Chí Minh, với giá bán khoảng 50.000 ngàn đồng/bó, doanh thu từ 10-15 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng từ tiền bán hoa, Công ty Hoa Lan thu về từ 300 - 450 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 70%.

Đột phá bằng phương pháp nuôi cấy mô

Thạc sĩ Đoàn Thế Nam, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh cho biết: “Nuôi cấy mô là một công nghệ tiên tiến, hơn hẳn các phương pháp nhân giống khác. Phương pháp này sẽ nhân được giống hàng loạt và giữ được đặc tính của cây giống gốc và tạo ra được ưu thế cạnh tranh về giá thành. Để sản xuất cây nuôi cấy mô cho cây lan phải sản xuất theo mô hình công nghiệp, nuôi trồng hàng loạt với diện tích lớn và vốn đầu tư tương đối nhiều”. Theo kỹ sư Đỗ Văn Quảng, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh thì lan là một loài hoa có khoảng 8.000 loài và 30.000 giống nguyên thủy và gần một triệu giống đã được lai giống nhân tạo hay thiên tạo. Việt Nam có khoảng 900 loại, tập trung chủ yếu tại các vùng rừng, núi Cao Bằng, Lào Cai, Huế, Kontum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước... Trong đó có rất nhiều cây hiếm, quý, hoa đẹp, hương thơm, có giá trị kinh tế cao nếu được nhân giống, để thương mại. Theo điều tra của Phân viện quy hoạch rừng II, ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập có khoảng 39 loài như lan Ngọc điểm, Thuỷ tiên vàng, Hoàng thảo báo hỷ, Đoản kiếm, Chuỗi ngọc… “Một số loài lan rừng có giá trị kinh tế cao đã bị khai thác tối đa nên vài năm tới có thể bị tuyệt chủng. Do đó, phải bảo tồn vừa để những loài lan có giá trị kinh tế tồn tại vừa là một nhu cầu trong kinh doanh thương mại như nhiều loài lan từ nước ngoài nhập vào bán ở nước ta”, kỹ sư Quảng nói về lan tự nhiên ở Bình Phước. Hiện nay anh Đỗ Văn Quảng và các cộng sự ở Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng ở Bình Phước” bằng phương pháp nuôi cấy mô, kết quả bước đầu cho thấy lan rừng sinh trưởng và phát triển rất tốt ở điều kiện ánh sáng tự nhiên.

…và vườn hoa lan đang cho thu hoạch ở Công ty Hoa Lan

Theo một số nhà nghiên cứu, hằng năm nước ta phải bỏ ra một lượng không nhỏ ngoại tệ để nhập hoa và một số ít giống lan ngoại nhập về cung cấp trong thị trường nội địa. Trong khi đó thực tế tiềm năng để nhân giống, phát triển hoa lan và lan rừng ở Việt Nam theo hướng thương mại hóa là rất khả thi. Vì tiềm năng của lan rừng ở nước ta không thua kém gì Thái Lan. Do vậy, nếu đề tài “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng ở Bình Phước” thành công, không chỉ góp phần bảo tồn được nhiều loài lan quý, mà còn hướng tới việc kinh doanh, xuất khẩu giống, hoa ra thế giới.

H.Lương

  • Từ khóa
43035

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu