Thứ 7, 20/04/2024 08:14:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:29, 19/04/2013 GMT+7

Chiến dịch truyền thông giảm cầu sừng tê giác ở Việt Nam

Thứ 6, 19/04/2013 | 10:29:00 489 lượt xem


Cưa sừng tê giác tại vườn quốc gia để tránh săn trộm

Để khuyến khích người dân ngừng mua bán và sử dụng sừng tê giác, Tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á-Chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tại Việt Nam đã phát động chiến dịch “Chiến dịch truyền thông giảm cầu sừng tê giác".

Trong buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội, ngày 18-4, Tiến sĩ Naomi Doak, Trưởng đại diện tổ chức TRAFFIC cho biết, việc buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ loại sừng này là bất hợp pháp nhưng một số tài liệu y học cổ truyền Việt Nam vẫn nhắc đến và sử dụng như một vị thuốc đông y.

Chính nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng săn trộm sừng tê giác ở châu Phi.

Tuy nhiên, theo lý giải của Tiến sĩ Naomi, sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, giống hệt thành phần trong móng chân, móng tay người và hoàn toàn không có tác dụng chữa ung thư, hay tăng cường khả năng tình dục.

“Tất cả những tác dụng trên chỉ là những lời đồn thổi, không có căn cứ và chúng vẫn lan truyền, châm ngòi cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác gia tăng,” Tiến sĩ Naomi khẳng định.

Theo báo cáo của WWF, mặc dù đã có luật bảo vệ tê giác, nhưng chính phủ các nước vẫn chưa hành động đủ để giải quyết triệt để tình trạng buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác từ châu Phi sang Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động mua, bán loại loại sừng này vẫn chưa được quan tâm một cách tương xứng với tính nghiêm trọng của nó.

Chỉ tính trong vài tháng đầu năm 2013, hơn 200 cá thể tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi. Cùng thời điểm, hai người đàn ông Việt Nam đã bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bangkok vì tội vận chuyển trái phép sừng tê giác có tổng lượng cân nặng gần 30kg.

“Chính vì hiểu sai về tác dụng của sừng tê giác trong việc điều trị bệnh tật, lợi nhuận cao và chế tài xử phạt còn nhẹ đã khiến số tê giác giảm mạnh trong những năm qua. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu bản chất của loại sừng này để chấm dứt tình trạng buôn bán, cũng như cứu loài tê giác khỏi nạn tuyệt chủng,” bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Trưởng phòng truyền thông WWF Việt Nam nói.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa
46441

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu