Thứ 5, 28/03/2024 23:30:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:35, 29/04/2020 GMT+7

Chỉ số Papi 2019: Bứt phá của thủ tục hành chính công và quản trị điện tử

Nguyên Kha
Thứ 4, 29/04/2020 | 15:35:00 250 lượt xem
BPO - Sáng 28-4, buổi công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

Báo cáo PAPI năm nay được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát 14.138 người dân ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (có 52,5% nữ). Báo cáo chia nhóm các tỉnh thành 4 nhóm: Cao nhất (16 tỉnh), Trung bình cao (16 tỉnh), Trung bình thấp (15 tỉnh), Thấp nhất (16 tỉnh). Đứng đầu bảng xếp hạng lần lượt là Bến Tre (46,74 điểm), Đồng Tháp (46,72) và Quảng Ninh (46,66). Trong khi đó, các vị trí cuối bảng thuộc về Quảng Ngãi (41,18), Đắk Lắk (41,07) và Bình Định (40,84). Tỉnh Bình Phước xếp hạng 30/63 với số điểm tổng hợp 43,82, tụt 3 bậc (giảm 0,59 điểm) so với năm 2018, trong nhóm Trung bình cao.

Chỉ số có sự thăng hạng mạnh mẽ nhất là thủ tục hành chính công khi tăng 0,22 điểm và 26 bậc so với năm 2018, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành với 7,64 điểm. Đây là số điểm cao nhất của Bình Phước đối với chỉ số này kể từ khi chỉ số PAPI được công bố. Nếu phân tích cụ thể hơn thì Bình Phước là tỉnh duy nhất có toàn bộ 4 chỉ số thành phần đều trong nhóm có điểm số cao nhất: Cung ứng dịch vụ chứng nhận, xác nhận (xếp thứ 11); dịch vụ cấp phép xây dựng (16); dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (8); dịch vụ hành chính cấp xã/phường (12). Sự quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân từ cấp tỉnh đến huyện, xã ở tất cả lĩnh vực đã được đông đảo người dân ghi nhận.

Một chỉ số khác cũng xếp hạng 4 là quản trị điện tử. Chỉ số này cho biết sự đánh giá của người dân về 2 khía cạnh mang tính tương tác của chính phủ điện tử: mức độ sẵn có và tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp. Đây là chỉ số mới được đưa vào khảo sát từ năm 2018, tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua môi trường internet ngày càng trở nên quan trọng. Đối với tỉnh Bình Phước, người dân đánh giá cao sự phản hồi của chính quyền trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, khả năng tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương.

Chỉ tiêu cung ứng dịch vụ công được thiết kế nhằm đo lường mức độ hiệu quả cung ứng 4 dịch vụ công căn bản cho người dân, gồm: Y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư. Ở chỉ tiêu này, Bình Phước xếp hạng 55, tăng 4 hạng so với năm 2018. Tuy nhiên, y tế công lập xếp cuối bảng (hạng 63). Chỉ số công khai, minh bạch cũng tăng 8 hạng so với năm 2018.

Ở hướng ngược lại, các chỉ tiêu tụt hạng là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở (xếp hạng 35, giảm 28 bậc), trách nhiệm giải trình với người dân (xếp hạng 23, giảm 15 bậc), kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (xếp hạng 54, giảm 12 bậc), quản trị môi trường (xếp hạng 56, giảm 3 bậc).

Nhìn chung, với vị trí xếp hạng 30 và điểm tổng hợp đạt 43,82, cao hơn điểm trung vị trong bảng điểm của 63 tỉnh, thành, bức tranh PAPI năm 2019 của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng đáng khích lệ. Tuy nhiên, Bình Phước vẫn không thể hài lòng với kết quả đạt được. Với tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cải thiện chất lượng quản trị, điều hành và cung cấp dịch vụ công là hết sức bức thiết nhằm tiết kiệm chi phí xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Bảng: Các điểm số thành phần và xếp hạng PAPI năm 2019 của Bình Phước

  • Từ khóa
33477

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu