Thứ 7, 20/04/2024 13:01:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:33, 12/04/2020 GMT+7

Gương điển hình thi đua yêu nước

Chi hội trưởng phụ nữ có uy tín, làm kinh tế giỏi

Thu Hiền
Chủ nhật, 12/04/2020 | 07:33:00 530 lượt xem
BPO - Ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh hầu như ai cũng biết đến chị Thị Kim Minh (SN 1981) - nhân viên y tế thôn bản, Chi hội trưởng phụ nữ hết mình vì mọi người. Cũng từ nhiệt huyết của chị mà nhiều năm qua, Chi hội Phụ nữ ấp 2 luôn được đánh giá là tiêu biểu, mạnh cả về sức thu hút hội viên đến các phong trào trọng tâm của hội.

Là phụ nữ S’tiêng, chị Thị Kim Minh ý thức từ sớm về sự cần thiết phải có kiến thức, kỹ năng giúp đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ và trẻ em vùng biên giới có cuộc sống tốt hơn. Do vậy, chị chủ động tham gia các khóa học, từ nữ hộ sinh ở Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) đến các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức hoạt động hội, đoàn thể.

nhiệt huyết với công tác xã hội

Chị Thị Kim Minh chia sẻ: Ban đầu khi đảm trách Chi hội trưởng phụ nữ ấp, tôi gặp nhiều khó khăn, bởi 72% dân số ấp 2 là người S’tiêng, tỷ lệ hộ nghèo cao, bà con còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Càng khó thì tôi càng phải đi nhiều hơn, đến từng nhà vận động, họp ngày không được thì tổ chức vào buổi tối... Cứ miệt mài như vậy nên tạo được niềm tin với bà con.

Hộ chị Thị Kim Minh là gương điển hình gia đình dân tộc S’tiêng tiêu biểu của xã Lộc An - Ảnh chụp ngày 31-3-2020

Từ sự tin tưởng của bà con và hội viên, chị Minh càng tích cực phối hợp với các chi hội, đoàn thể trong ấp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề công tác hội đến toàn thể hội viên và phụ nữ. Chị còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Phát động phong trào văn hóa - văn nghệ; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Từ một chi hội chỉ có khoảng 10-15 hội viên thì nay tăng lên 71.

Không chỉ là cán bộ hội năng động, sáng tạo, chị Minh còn được bà con yêu mến bởi vai trò là cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản. Hằng tháng, hằng quý hay vào các đợt ra quân tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chị tích cực cùng cán bộ, nhân viên trạm y tế xã vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, tổ chức khám định kỳ cho 100% phụ nữ có thai, trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng, uống vitamin A đầy đủ... Cảm nhận rõ tình yêu nghề, trách nhiệm và tâm huyết của chị Minh, hội viên Thị Hét chia sẻ: “Giờ tôi biết nhiều rồi. Đó là ăn uống hợp vệ sinh, biết đưa con đến trạm y tế tiêm chủng định kỳ, biết sử dụng các biện pháp tránh thai để không sinh nhiều con dẫn đến nghèo khổ... Tất cả là nhờ chị Minh của ấp tôi đó!”.

Năng động phát triển kinh tế

Nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội và các hoạt động xã hội, chị Minh còn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và là phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chị nói: Tôi luôn nghĩ, sống trên vùng đất cằn cỗi mình vẫn có thể làm giàu nếu cố gắng học hỏi. Nghĩ là làm, tôi chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế trên sách, báo, tivi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Lộc An rồi làm thử nghiệm. Trồng cây gì, nuôi con gì, tôi đều suy nghĩ thật kỹ, khi đã thực hiện rồi thì phải nỗ lực và quyết tâm đến cùng.

Lộc An là xã vùng sâu, xa, vùng biên giới với hơn 44% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tìm nguồn đảm trách công tác hội ở đây vốn rất khó khăn, đặc biệt là sau đề án tinh giản biên chế. Tấm gương tiêu biểu cả trong công tác hội và làm kinh tế giỏi như chị Minh đối với chúng tôi rất quý, rất đáng tự hào.

Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc An

Ngày mới lập gia đình, chị Minh cùng chồng là anh Điểu Sinh làm kinh tế dựa vào canh tác lúa. Nhận thấy chỉ trông vào cây lúa sẽ khó thoát nghèo, năm 2016, vợ chồng chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng đầu tư nuôi thêm gà, vịt để lấy ngắn nuôi dài, tập trung chăm sóc hơn 1.800 nọc tiêu. Năm 2018, chị bàn với chồng đầu tư chuồng trại nuôi thí điểm 2 cặp dê giống để tận dụng nguồn lá keo (trụ tiêu) trong vườn. Chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên đàn dê không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã tăng lên 30 con lớn, nhỏ. Chị tận dụng nguồn phân dê ủ hoai mục bón vườn tiêu. Cách làm xoay vòng khép kín này đã cho gia đình chị thu lời hơn 100 triệu đồng/năm.

Chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư rất phù hợp với điều kiện của phụ nữ vùng nông thôn nên đầu năm 2019, chị Minh mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác xã chăn nuôi dê thịt, thu hút 13 thành viên tham gia. Song song đó, với vai trò là Tổ trưởng Tổ vay vốn, chị đứng ra nhận ủy thác hơn 600 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp 51 thành viên có vốn phát triển kinh tế.

Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động tại địa phương, chị Minh được các cấp, ngành, hội, đoàn thể tặng nhiều giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số - kế hoạch hóa gia đình...  

  • Từ khóa
2401

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu