Thứ 7, 20/04/2024 00:05:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:14, 20/05/2020 GMT+7

Chân lý về nhân quyền

Hồ Ngọc
Thứ 4, 20/05/2020 | 09:14:00 480 lượt xem

BPO - Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể vào ngày 9-9-1969, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - nơi 24 năm về trước Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có đoạn viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, vị anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một chiến sĩ trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản, có đóng góp to lớn cho tình đoàn kết giữa nhân dân tất cả các nước, giữa vô sản với lực lượng tiến bộ và suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Vì theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người luôn hòa quyện với nhau và luôn nhất quán trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh của Người. Vì thế, con đường cách mạng mà Người đã chọn, cuộc cách mạng mà Người đã lãnh đạo, những chủ trương, chính sách mà Người đề ra, và cả những việc làm rất cụ thể của Người, tất thảy đều nhằm bảo vệ con người, vì quyền con người.

Chính vì thế mà mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 4, trang 1). Tiếp theo đó, Người còn nêu lên một câu nữa trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Và Người cũng đã khẳng định rằng: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Như vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng 2 câu cốt lõi nhất trong 2 bản tuyên ngôn cách mạng tư sản của 2 cường quốc là Mỹ, Pháp như là một chân lý và chân lý ấy không ai có thể chối cãi được và cũng không bao giờ thay đổi. Vấn đề là ở chỗ thông qua chân lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định với thế giới rằng, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Lẽ dĩ nhiên là nhân dân Việt Nam cũng có đầy đủ các quyền ấy như nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ. Và điều quan trọng hơn nữa là thông qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với toàn thế giới rằng, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam không sợ gian khổ, hy sinh để quyết giành bằng được những quyền vốn thuộc về mình; đồng thời nhân dân Việt Nam cũng không để bất kể thế lực nào dù hùng mạnh hay hung ác, tàn bạo đến đâu cũng không thể cướp đi những quyền cơ bản ấy của người dân Việt Nam.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người của mỗi cá nhân không thể tách rời quyền của dân tộc. Chính vì vậy mà trong bản Tuyên ngôn đọc ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ khẳng định quyền con người đến quyền của quốc gia, dân tộc. Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, (Sđd, tập 4, tr 2). Trên cơ sở đó, Người đã lên án và kết tội các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức, bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản của nước Pháp, nước Mỹ đã công nhận. Điều này cũng có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng các thế lực thực dân, đế quốc đã phủ nhận, chà đạp lên tuyên bố của các bậc tiền bối ở chính nước họ.

Với tư tưởng nâng tầm quyền con người thành quyền của quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi quốc gia trên trái đất là lẽ tự nhiên, là chân lý không một ai có thể phủ nhận được. Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Người đã từng khẳng định, dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Trong các cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm đến cướp nước, mỗi cá nhân luôn hòa quyện với cộng đồng dân tộc và mọi người tìm thấy giá trị của mình trong giá trị chung của quê hương, đất nước.

Xuất phát từ quan điểm ấy, nên trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc xóa bỏ vĩnh viễn mọi sự ràng buộc bất bình đẳng giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới nói chung và dân tộc Pháp nói riêng. Người nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, (Sđd, tập 4, tr 4).

Để giữ vững lời thề độc lập, chỉ một ngày ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời và Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách: chống giặc đói, giặc dốt, xóa bỏ tất cả các loại thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chuẩn bị tổng tuyển cử, thực hiện nam, nữ bình quyền, tự do tín ngưỡng và thực hiện nền giáo dục nhân dân... Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới để đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó chính là Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người trong điều kiện mới.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay. Ngay sau khi thành lập nước, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), nhắc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh để một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, quyền con người hay nhân quyền là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay. Dù các thế lực thù địch, phản động có xuyên tạc, bịa đặt đến đâu về nhân quyền ở Việt Nam, thì thực tế cách mạng Việt Nam vẫn là chân lý không một ai có thể thay đổi được. 

Thế giới ngày nay có biết bao đổi thay sâu rộng, khó lường. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã phải nếm trải không ít đổ vỡ, mất mát nhưng loài người không bao giờ quên, không bao giờ phủ nhận những đóng góp lịch sử vĩ đại của cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới trong suốt thế kỷ XX. Loài người cũng mãi mãi tự hào về những chiến sĩ lỗi lạc, những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

  • Từ khóa
2912

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu